Giá vàng trong nước tăng mạnh
Vào thời điểm lúc 15h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 48,74 triệu đồng/lượng (tăng 390.000 đ/lượng so với cuối tuần qua) - bán ra 49,24 triệu đồng/lượng (tăng 470.000 đ/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 48,80 triệu đồng/lượng (tăng 480.000 đ/lượng) - bán ra 49,20 triệu đồng/lượng (tăng 560.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 48,20 triệu đồng/lượng (tăng 370.000 đ/lượng) - bán ra 49,15 triệu đồng/lượng (tăng 450.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 48,84 triệu đồng/lượng (tăng 380.000 đ/lượng) - bán ra 49,16 triệu đồng/lượng (tăng 470.000 đ/lượng).
Giá vàng thế giới tăng
Từ sáng đến 15h chiều nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới vẫn đang giao dịch xung quanh mức 1.758 USD/ounce, tăng 16 USD so với thời điểm chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng đang ở mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây và có thể tăng mạnh trong tuần này do những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy giá các tài sản an toàn như vàng đi lên. Bên cạnh đó, vàng còn có xu hướng được hưởng lợi từ sự kích thích rộng rãi từ các ngân hàng trung ương, vì kim loại quý trong tình hình như hiện nay được xem như một hàng rào chống lạm phát và tranh chấp tiền tệ khá hiệu quả.
Các số liệu kinh tế mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đang đối mặt với những khó khăn lớn và có thể không phục hồi nhanh chóng kể cả khi Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Kinh tế Mỹ trong quý II/2020 có thể giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, song sẽ phục hồi mặc dù còn chậm và có thể trở lại mức trước khi đại dịch bùng phát vào giữa năm 2022. Theo các nhà kinh tế, GDP của nước này có thể giảm 4% trong năm 2020, sau đó tăng trưởng khoảng 3% vào năm 2021 và 2% năm 2022.
Các nhà kinh tế nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đạt đỉnh là 17,4% trong quý II năm nay, sau đó giảm xuống 8,9% vào cuối năm 2020 và 7,6% vào cuối năm 2021.
Một số nhà đầu tư cho rằng việc các ngân hàng trung ương thu mua tài sản cũng giống như việc in tiền và làm giảm giá trị của đồng USD, một lần nữa làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng.
Theo dự báo trên Kitco News, giá vàng được kỳ vọng sẽ sớm chạm mốc 1.800 USD/ouce (tương đương 50,09 triệu đồng/lượng) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo sẽ nới lỏng tín dụng để kích thích nền kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, thị trường kim loại quí còn được hưởng lợi khi số lượng các đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã tăng thêm 3 triệu vào tuần trước và doanh số bán lẻ tháng 4 đã giảm 16,4%.
Giám đốc điều hành của Adrian Day Asset Management - Adrian Day, cho rằng ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư cân nhắc vàng là lựa tốt nhất trước chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn.
Còn Kevin Grady, Giám đốc của Phoenix Futures and Options LLC, nhận định giá cổ phiếu đã tụt dốc khi các gói kích thích toàn cầu khổng lồ mà các ngân hàng trung ương đã thực hiện sẽ kéo giá vàng lên mức cao hơn. Môi trường lãi suất thấp trong một thời gian cũng là một điều kiện có lợi cho kim loại quí.
Theo chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của Tập đoàn Price Futures - Phil Goldnn thì, vàng sẽ tiếp tục tăng giá sau khi thoát ra khỏi phạm vi giao dịch gần đây. Dữ liệu tốt hơn từ Trung Quốc cũng làm tăng hi vọng nhu cầu vàng sẽ tăng tại quốc gia này.
Ở một diễn biến mới nhất, trong chương trình "Face the Nation" trên kênh CBS sáng 18/5, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói: "Về lâu dài và ngay cả trong trung hạn, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi", khả năng phục hồi còn phụ thuộc vào cách người Mỹ cảm nhận về sự an toàn của họ. Nếu không có một đợt bùng phát thứ hai, nền kinh tế sẽ phục hồi ổn định trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Fed, để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn có thể phải chờ sự xuất hiện của vaccine.
Fed đã đưa ra một loạt nỗ lực để nâng đỡ thị trường và hợp tác với Bộ Tài chính về các chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cá nhân. Ngoài ra, Fed đang mua trái phiếu của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Loạt động thái diễn ra trong bối cảnh 36,5 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 14,7%.
Số liệu của Fed cũng cho biết, sản lượng sản xuất của Mỹ giảm 13,7% trong tháng 4/2020, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1919 - năm được thống kê. Trong khi đó, theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 4/2020 giảm 16,4% so với tháng trước, mức giảm kỷ lục kể từ khi bắt đầu thống kê vào đầu những năm 90.

Nguồn: VITIC