Giá vàng trong nước tăng vọt
Vào thời điểm lúc 10h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 45 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 45,42 triệu đồng/lượng (tăng 400.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 44,90 triệu đồng/lượng (tăng 270.000 đồng/lượng) - bán ra 45,40 triệu đồng/lượng (tăng 400.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 45,05 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng) - bán ra 45,35 triệu đồng/lượng (tăng 450.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 45,10 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng) - bán ra 45,35 triệu đồng/lượng (tăng 430.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, tại Châu Á, giá vàng thế giới tiếp tục được giao dịch ở mức cao. Cụ thể Lúc 7h30 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới là 1.620,2 USD/ounce, đến 10h30 đã lên mức 1.624 USD/ounce.
Chốt phiên đêm qua, thị trường ghi nhận 3 phiên tăng liên tục với mức tăng mạnh tổng cộng hơn 40 USD/ounce (tương đương hơn 1,1 triệu đồng quy đổi). Còn nếu tính từ "đáy" ngắn hạn phiên 4/2/2020 thì giá vàng đã tăng gần 70 USD/ounce (tương đương hơn 1,9 triệu đồng/lượng quy đổi).
Đêm qua, giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng đạt mức cao khi tăng 8,30 USD lên 1.619,8 USD/ounce. Ba phiên tăng giá mạnh đã đẩy mức tăng chung của kim loại quý tính trong 30 phiên lên tới 61,4 USD (3,94%) và tính trong một năm là 281,4 USD (21,03%). Có thể nói giới đầu tư vàng đã đạt được mức lợi nhuận đáng mơ ước.
Giá vàng hôm nay cao hơn 25,9% (332 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 44,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 300 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao nhất trong 7 năm do dòng tiền vẫn dồn dập tìm đến các loại tài sản có độ an toàn cao, bất chấp Trung Quốc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế và chứng khoán.
Vàng tăng giá chủ yếu do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với một triển vọng kinh tế tiêu cực do tác động của dịch coronavirus. Biến động trái chiều của các thị trường chứng khoán các nước cũng góp phần khiến vàng có được vị thế tốt hơn. Dịch viêm phổi Covid-12 vẫn tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc và có xu hướng tăng mạnh lên ở các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và đây vẫn là một nỗi lo lớn cho các thị trường toàn cầu.
Hôm 20/2, Trung Quốc đã buộc phải hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc chiến ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm giảm từ 4,15% xuống còn 4,05%, trong khi lãi suất LPR kỳ hạn trên 5 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống 4,75%. Trước đó, PBoC đã giảm 10 điểm cơ bản lãi suất của công cụ cho vay trung hạn (MLF) và bơm hàng chục tỷ USD vào thị trường tài chính thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược và MLF.
Động thái của PBOC không có gì bất ngờ và là một động thái để giữ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vượt lên khỏi những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Nhiều nhà sản xuất của Trung Quốc đang thiếu nguyên liệu đầu vào cần thiết và một số nhà máy đã phải đóng cửa. Tình trạng này đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn cầu và khắc họa rõ nét chuỗi cung ứng của thế giới có nhiều phụ thuộc vào Trung Quốc. Tình trạng này cũng đang tác động đến các doanh nghiệp toàn cầu do các chuỗi cung ứng thế giới có mặt tại Trung Quốc khá nhiều. Giới phân tích cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu tại Trung Quốc sẽ đẩy giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng lên. Đây sẽ là tác động vòng 2 do dịch bệnh Corona gây ra. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết trong biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) công bố chiều thứ Tư theo giờ địa phương rằng họ đang theo dõi chặt chẽ tác động của dịch Corona tới kinh tế.
Vàng tăng giá bất chấp đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh do dòng tiền tìm tới nơi an toàn. Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm đã xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Đồng euro và yen Nhật trong khi đó giảm mạnh. Liên minh châu Âu (EU) đang tham gia hội nghị tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về ngân sách giai đoạn 2021-2027 với nhiều bất đồng và được Thủ tướng Đức Angela Merkel dự đoán sẽ "rất khó khăn và phức tạp". Đồng euro cũng chịu áp lực giảm nền kinh tế khu vực đứng trước một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho rằng, EU còn “tồi tệ hơn Trung Quốc”.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng đang có một xu hướng tăng giá rõ ràng và sẽ hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nguồn: VITIC