Giá vàng trong nước về mức 48 triệu đ/lượng
Vào thời điểm lúc 10h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 46,80 triệu đồng/lượng - bán ra 48,02 triệu đồng/lượng (giảm 1.000.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 46 triệu đồng/lượng (giảm 1.000.000 đồng/lượng) - bán ra 48 triệu đồng/lượng (giảm 1.200.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 46,50 triệu đồng/lượng (giảm 1.300.000 đồng/lượng) - bán ra 47,50 triệu đồng/lượng (giảm 2.000.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 47,30 triệu đồng/lượng - bán ra 49,05 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả 2 chiều).
Giá vàng thế giới giảm nhưng vẫn ở mức cao 1.650 USD/ounce
Sau khi tăng vọt bất thường, giá vàng thế giới lao dốc không phanh ngay trong đêm qua (24/2). Cụ thể, đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã giảm mạnh từ ngưỡng 1.680 USD về ngưỡng 1.660 USD và chốt phiên ở mức này trên thị trường Mỹ.
Như vậy, sau khi giá vàng nhảy múa điên đảo tại thị trường châu Á do sự hoảng loạn của thị trường trước sự bùng phát của dịch virus Corona cộng với đầu cơ giá lên thì sang tới phiên giao dịch tại Mỹ, giá kim loại quý bị dìm mạnh trước áp lực bán ra. Tuy nhiên, cả phiên này giá kim loại quý cũng ghi nhận mức tăng gần 20 USD.
Phiên đêm qua chứng kiến sự phân hóa rõ giữa các thị trường: Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ và chỉ số USD tăng mạnh; trong khi đó, giá dầu thô, giá vàng và giá chứng khoán giảm mạnh trước áp lực bán chốt lời. Trong số các chỉ số chứng khoán Mỹ, riêng DJIA giảm hơn 1.000 điểm. Đến sáng nay (25/2), giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh thêm hơn 10 USD nữa. Cụ thể, hồi 10h sáng nay giá vàng thế giới chỉ giao dịch quanh 1.650 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 31% (398 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 46,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 2,5 triệu đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới hôm qua tăng vọt lên đỉnh cao 7 năm do dòng tiền ồ ạt tìm đến mặt hàng kim loại quý trong bối cảnh giới đầu tư trên phạm vi toàn cầu lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ nhấn chìm nền kinh tế thế giới.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán Hàn Quốc dẫn đầu mức giảm điểm sau khi nước này thông báo số ca nhiễm virus Covid-19 tăng mạnh với 8 người tử vong và trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục, trong khi đồng won giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua so với đồng USD. Chỉ số Kospi mất gần 3,9% trong phiên 24/2. TTCK châu Âu nối gót châu Á giảm mạnh. Chứng khoán Ý giảm tới 4,3% sau khi nước này xác nhận trường họp tử vong thứ 4. Chứng khoán Anh, Đức, Pháp đều giảm trên dưới 3%. Tuy nhiên, áp lực chốt lời cùng với những nỗ lực của chính phủ nhiều nước kìm hãm đôi chút đà tăng của giá vàng.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng đang có một xu hướng tăng giá rõ ràng và sẽ hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo giới phân tích, giá vàng đang hướng đến ngưỡng 1.700 USD/ounce và thậm chí có thể phá ngưỡng 1.800 USD/ounce (tương đương mức 50 triệu đồng/lượng) trong thời gian tới.
Tương tự, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs tại Mỹ cũng lập luận rằng, đà tăng giá của vàng vẫn còn cơ sở để “bùng nổ” hơn nữa khi lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán của nước này đang trên đà sụt giảm.
Hiện giá dầu thô giảm mạnh và giao dịch quanh mức 50,5 USD/thùng. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ yếu hơn nhưng không quá thấp so với tuần trước.

Nguồn: VITIC