Giá vàng trong nước giảm dưới 47 triệu đồng/lượng
Vào thời điểm lúc 10h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 45,80 triệu đồng/lượng - bán ra 46,72 triệu đồng/lượng (giảm 700.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 45,40 triệu đồng/lượng (giảm 400.000 đồng/lượng) - bán ra 46,80 triệu đồng/lượng (giảm 500.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 45,90 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng) - bán ra 46,50 triệu đồng/lượng (giảm 500.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 45,95 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng) - bán ra 46,55 triệu đồng/lượng (giảm 450.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới giảm
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 10h30 hôm nay giao dịch ở mức 1.639 USD/ounce.
Giá vàng đã có phiên giảm giá đầu tiên sau 6 phiên tăng giá liên tiếp. Đêm qua, giá vàng thế giới đã liên tục giảm từ ngưỡng 1.650 USD và chốt phiên ở ngưỡng 1.635 USD, xóa sạch thành quả của phiên tăng sốc trước đó. Phiên hôm qua, giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giảm mạnh 28,5 USD xuống 1.648,2 USD dù các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng các chỉ số chứng khoán châu Á vẫn tiếp tục giảm mạnh. Riêng với thị trường chứng khoán Mỹ, hai phiên bán mạnh đầu tuần đã xóa sạch thành quả của thị trường này kể từ đầu năm tới nay.
Liên quan tới dịch virus Corona, sự lây lan chưa được kiểm soát tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý đã khiến tâm lý thị trường thêm lo lắng. Dù các chuyên gia đã gọi đây là một đại dịch, song Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng vẫn còn quá sớm để gọi như vậy.
Thị trường đang lượng hóa các tác động của việc nới lỏng các chính sách tiền tệ dự kiến mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ thực hiện do sự bùng nổ của Covid-19.
Riêng với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giới đầu tư dự đoán 86% khả năng là cơ quan này sẽ hạ lãi suất vào tháng Bảy trong bối cảnh lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã xuống gần mức thấp lịch sử, khoảng 1,35%.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá vẫn đang chiếm lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Xu hướng tăng giá trong 3,5 tháng vẫn được duy trì trên thanh biểu đồ ngày.
Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo của thị trường là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự kỹ thuật vững chắc cũng là mức cao nhất trong tuần này là 1.691,70 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 1 là 1.619,60 USD/ounce.
Giá vàng đi xuống do các nhà đầu tư chốt lời vì vàng đã được mua quá nhiều trong hai tuần qua trước tác động của dịch COVID-19, cùng với tâm tý kỳ vọng vào chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.
Theo các chuyên gia của Oxford Economics, 1 cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu có thể thổi bay hơn 1.000 tỷ USD khỏi GDP toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất IMF chỉ hạ 0,1% đối với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, xuống còn 3,3%.
Một số nhà phân tích tin rằng, tình hình virus ngày càng tồi tệ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thấp hơn thúc đẩy sự hấp dẫn của các loại tài sản như vàng không mang lại bất kỳ lãi suất nào.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không hy vọng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trọng yếu đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Mỹ, mặc dù điều đó có thể thay đổi khi có nhiều dữ liệu hơn trong vài tuần tới. Hiện giá dầu thô giảm và giao dịch quanh mức 50,5 USD/thùng, trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ cũng thấp hơn rất nhiều.
Số ca nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng đột biến bên ngoài Trung Quốc đã hạn chế đà giảm của giá vàng. Mới đây, Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo đối với dịch bênh lên mức cao nhất, khi số lượng ca nhiễm tăng đột biến lên hơn 800 người. Trong khi đó, Italy là quốc gia ngoài châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay, với hơn 130 trường hợp dương tính với Covid-19 và 3 người tử vong.
Viễn cảnh đáng sợ không ai mong muốn rằng Covid-19 sẽ trở thành đại dịch đầu tiên gây ra những hậu quả tồi tệ cho thế giới trong thời đại toàn cầu hóa đang làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với kinh tế toàn cầu. Năm 2003, khi dịch SARS diễn ra, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và dịch bệnh này khiến tăng trưởng GDP tổn thất từ 0,5 – 1%. Trong khi đó, hiện tại, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và dịch bệnh có thể làm trầm trọng hơn đà giảm tốc của Trung Quốc đại lục.

Nguồn: VITIC