Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Tuần qua, giá vàng trong nước chỉ giao dịch trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh, cửa hàng 2 phiên đầu tuần. Sau đó, nhiều đơn vị đã chuyển sang giao dịch online do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do không giao dịch trực tiếp nên thị trường không có sự tham gia của nhà đầu tư. Giao dịch online chủ yếu phụ vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân mua sắm phục vụ tiêu dùng. Do đó, giá cả cũng ít biến động. Tính chung giá vàng SJC trên thị trường tự do tăng 150.000 đồng/lượng so với giá mở cửa đầu tuần. Tại các DN tăng 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa đầu tuần.
Trong nước, giá vàng biến động không lớn như giá vàng thế giới. Các doanh nghiệp trong nước luôn duy trì mức bán ra vàng SJC quanh 48 triệu đồng mỗi lượng. Chốt phiên cuối tuần, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết 47,05-48,05 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội 46,80-47,80 triệu đồng/lượng; Giá vàng Rồng Thăng Long trên hệ thống Bảo Tín Minh Châu 45,10-46,10 triệu đồng/lượng… Tính chung cả tuần, vàng SJC tăng 150 nghìn đồng, vàng Doji giảm 100 nghìn đồng và vàng Rồng Thăng Long tăng 200 nghìn đồng…
Giá vàng thế giới giảm nhẹ
Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/4/2020, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức trên 1.618 USD/oz, tăng hơn 6 USD/oz so với sáng 4/4/2020.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, số việc làm của Mỹ giảm tới 701.000, cao gấp nhiều lần so với mức dự báo trước đó giảm 100.000. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt lên mức 4,4%, cao nhất kể từ năm 2017.
Thông tin việc làm tại Mỹ tiếp tục làm chứng khoán giảm mạnh ở cả 3 chỉ số và vàng tăng giá.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh. 3 phiên đầu tuần giá vàng thế giới giảm mạnh. Giảm sâu nhất là ngày 1/4 khi thành phố New York (Mỹ) có được sự hỗ trợ của 30 chuyên gia y tế quốc tế. Sự kỳ vọng của thị trường, dịch bệnh Covid-19 sẽ được đẩy lùi.
Phiên ngày 1/4, có lúc vàng thế giới đã giảm giá xuống còn 1.577 USD/oz, giảm đến trên 40 USD/oz trong 1 phiên. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, tại Mỹ vẫn gia tăng số ca mắc bệnh đưa nước Mỹ lên dẫn đầu danh sách các nước có số ca mắc bệnh Covid-19 cao nhất toàn cầu. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, số liệu việc làm giảm mạnh gấp 7 lần so với dự báo đã khiến giá vàng quay đầu tăng trở lại những phiên cuối tuần.
Tính chung, giá vàng thế giới tuần qua vẫn giảm nhẹ trên 7 USD/oz so với mức giá chốt phiên cuối tuần trước. Nhưng so với giá mở cửa đầu tuần, giá vàng đi ngang.
Theo kết quả khảo sát diễn biến giá vàng tuần tới, có tới 92% chuyên gia nhận định giá vàng tăng. Đặc biệt, không có chuyên gia nào cho rằng giá vàng giảm, còn lại 8% giữ quan điểm trung lập. Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, cũng có tới 67% nhà đầu tư dự đoán giá vàng tăng, chỉ có 19% dự đoán giá giảm và 14% cho rằng giá vàng đi ngang.
Trong tuần, giá vàng giao ngay kết thúc tại 1.622,80 USD/ounce. Với 3 phiên tăng, hai phiên giảm giá vàng tuần này biến động không đáng kể (giảm nhẹ (0,5%).
Tuần tới, kỳ vọng cho thị trường kim loại quý được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang gần đây đã tiến hành nới lỏng định lượng cùng với nỗ lực kích thích nền kinh tế bằng gói cứu trợ 2 nghìn tỷ USD để đối phó với đại dịch Covid-19. Cùng với gói kích thích, việc hạ lãi suất về 0% và tình trạng mất việc làm tăng mạnh đang làm cho tâm lý giới đầu tư hoang mang.
Đáng chú ý, tuần qua lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm liên tục được duy trì khoảng 0,6% cho thấy sự nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ hiện nay cũng như kinh tế toàn cầu trước sự tàn phá của dịch Covid. Tất cả những yếu tố trên đang ủng hộ vàng tăng giá.

Nguồn: VITIC