Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 364,68 điểm hôm 2/6/2020, tăng 0,28% tương đương 1,01 điểm so với chỉ số trước đó hôm 1/6/2020.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 327,06 điểm, tăng 0,44% tương đương 1,45 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 371,79 điểm, tăng 0,25% tương đương 0,93 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá thanh cốt thép tại Trung Quốc ngày 3/6/2020 tăng lên mức cao nhất hơn 9 năm, được thúc đẩy bởi nhu cầu thép và giá thép giao ngay tăng mạnh và tồn trữ thép xây dựng thị trường nội địa suy giảm.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 1,5% lên 3.663 CNY (515,97 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2011.
Tồn trữ thanh cốt thép tại Trung Quốc ước tính giảm 40% kể từ giữa tháng 3/2020, cho thấy nhu cầu hồi phục vững chắc sau khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nới lỏng các hạn chế do virus corona, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Xây dựng dẫn đầu sự phục hồi dần dần của nền kinh tế Trung Quốc, giúp cải thiện lợi nhuận biên và khuyến khích các nhà máy thép thúc đẩy sản lượng.
Nhu cầu thép giao ngay tại Trung Quốc được dự kiến tiếp tục tăng mạnh, khi các chỉ số nhu cầu duy trì vững trong 2-3 tuần tới.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,4%, trong khi giá thép không gỉ duy trì vững.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,3%, song giao dịch trong phạm vi hẹp được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu quặng sắt tại Trung Quốc tăng và lo ngại về nguồn cung từ Brazil.
Vale SA Brazil dự kiến xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc trong năm 2020 sẽ tăng so với năm 2019, do nhu cầu tại các nước bị ảnh hưởng bởi virus corona suy giảm, Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc cho biết.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc giảm 0,4%, trong khi giá than cốc tăng 0,4%.
Các thông tin khác:
Thép HRC: Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), tổng nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) của nước này trong tháng 4/2020 đạt 105.000 tấn, giảm 14,3% so với tháng 3/2020 và giảm 27,7% so với tháng 4/2019.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4/2020 đạt 62,5 triệu USD, giảm so với 73,7 triệu USD tháng 3/2020 và giảm so với 96 triệu USD tháng 4/2019.
Trong số đó, hầu hết nhập khẩu thép HRC của Mỹ từ Canada đạt 50.000 tấn, giảm so với 85.000 tấn tháng 3/2020 song duy trì ổn định so với tháng 4/2019. Hàn Quốc đứng thứ 2 đạt 37.700 tấn, New Zealand đứng thứ 3 đạt 5.000 tấn và Hà Lan đạt 4.300 tấn, Mexico đạt 2.200 tấn.
Thép phế liệu: Thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Sắt và Thép Thổ Nhĩ Kỳ (TCUD), trong 4 tháng đầu năm 2020 nước này nhập khẩu 7 triệu tấn thép phế liệu, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,98 tỉ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, các nước thuộc EU là thị trường cung cấp chủ yếu chiếm 64,6% trong tổng nhập khẩu thép phế liệu, tiếp theo là Mỹ chiếm 18,6%.
Bên cạnh đó, nhập khẩu thép phế liệu đạt 5,3 triệu tấn trong 3 tháng đầu năm 2020.

Nguồn: VITIC/Reuters