Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 11h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 47,45 triệu đồng/lượng - bán ra 48,22 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đ/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 47,20 triệu đồng/lượng - bán ra 48,40 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 47,55 triệu đồng/lượng - bán ra 48,15 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đ/lượng ở cả 2 chiều).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 47,45 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đ/lượng) - bán ra 48,10 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng thế giới giảm
Giá vàng thế giới giảm sâu ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay và rơi khỏi ngưỡng 1.700 USD khi chạm 1.699,4 USD/ounce nhưng sau đó đã tăng nhẹ trở lại. Lúc 7h30, vàng giao ngay đã tăng nhẹ 2,8 USD (0,16%) lên 1.720,6 USD/ounce. Mức giá trong phiên sáng nay thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình phiên đêm qua. Đêm qua, thậm chí có lúc giá vàng lên tới 1.740 USD/ounce.
8h30 sáng 16/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.709 USD/ounce, đến 11h đạt mức 1.703 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6/2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.727 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 35,2% (451 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 250 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Vàng giảm trước sự bứt phá của chỉ số USD. USD tăng giá cũng khiến thị trường cổ phiếu Mỹ giảm mạnh. Phiên đêm qua, thông tin báo cáo thất nghiệp hàng tuần của Mỹ đã được công bố với thêm 5,25 triệu người mất việc làm, cao hơn con số dự kiến là 5 triệu người.
Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Mỹ tê liệt và khiến hơn 20 triệu lao động mất việc làm tính đến thời điểm này. Trước đó, dữ liệu công bố ngày thứ 4 cũng cho biết doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 3 đã giảm hơn 8%.
Các số liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế Mỹ gặp rất nhiều khó khăn và có triển vọng u ám. Số lượng người thất nghiệp đã vượt lên trên ngưỡng 20 triệu người, khiến tỷ lệ thất nghiệp vượt con số 15%. Các công ty lớn tại Mỹ đã báo cáo những con số ảm đạm và khởi đầu một mùa báo cáo lợi nhuận đầy đen tối. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 giảm kỷ lục, với mức giảm 8,7%.
Trước đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có 2 lần cắt giảm mạnh lãi suất và đưa lãi suất chuẩn về gần mức 0%, đồng thời khởi động một chương trình mua trái phiếu quy mô lớn, bơm tiền vào nền kinh tế. Các gói giải cứu gần đây của Mỹ cũng tính bằng con số ngàn tỷ USD. Trên thế giới, hầu hết các nước cũng đang bơm tiền vào vực dậy nên kinh tế.
Hôm 16/4, Ngân hàng trung ương Philippines đã quyết định giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản xuống mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế đang đối mặt với cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Đây là lần thứ 3 Philippines cắt giảm lãi suất trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 2,75%. Trước đó, ngân hàng này từng giảm 25 cơ bản hồi tháng 2 và tiếp đó giảm thêm 50 cơ bản vào tháng 3 vừa qua.
Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ sụt giảm mạnh do dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế thế giới có thể sụt giảm 3% trong năm 2020 do dịch COVID-19. Đây sẽ là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ đại suy thoái.
Hầu hết các nền kinh tế đều đang gặp nhiều khó khăn. Kinh tế Anh được dự báo có thể giảm 30-35% trong quý II/2020, dựa trên giả định rằng lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài trong ba tháng, tiếp sau đó là ba tháng nữa với các hạn chế được dỡ bỏ một phần.
Tại Italia, nhu cầu tiêu dùng của người dân đã giảm 31,7% trong tháng 3/2020 và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này được dự báo sẽ giảm 13% trong tháng 4/2020.
Vàng cũng được hỗ trợ bởi những diễn biến hậu Covid-19. Nếu lạm phát tăng mạnh sau khi các nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa thì vàng sẽ tăng mạnh. Ngược lại, nếu nhu cầu trên thế giới thấp dẫn tới tình trạng giảm phát thì đây là thời điểm hệ thống tài chính thế giới thực sự gặp sự cố và là môi trường tốt đối với vàng.
Gần đây, các quỹ đầu tư vàng lớn đẩy mạnh mua vào mặt hàng này. Lượng vàng mà quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đang nắm giữ hiện đã lên tới gần mức cao nhất kể từ tháng 5/2013 với 1.017,59 tấn. Tuy nhiên, trước mắt vàng vẫn chưa thể bứt phá lên mạnh. Đại dịch khiến nhu cầu vàng vật chất tại nhiều quốc gia tiêu thụ vàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ chậm lại đáng kể. Các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại khiến sức mua suy giảm.
Các nước với vai trò là người mua lớn trên thị trường vàng cũng giảm mua vàng do phải đối với phó với dịch.
Nhu cầu dầu thế giới được dự báo sẽ giảm kỷ lục trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Vàng được đánh giá là tài sản cứu cánh cuối cùng và là nơi trú ẩn an toàn thời hậu đại dịch Covid-19 khi mà sự sụt giảm về kinh tế khiến các nước đồng loạt tung ra những gói kích thích tài chính lớn và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Theo Commerzbank, vàng sẽ lên 1.800 USD vào cuối 2020.
Trên các thị trường khác, giá dầu thô phiên đêm qua nhích nhẹ nhưng vẫn dưới 20 USD khi được giao dịch quanh 19,65 USD/thùng sau khi chạm mức thấp 18,5 USD/thùng vào phiên trước.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống khoảng 0,64%. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về “những cơn gió lớn” đã và sẽ tiếp tục có khả năng càn quét nền kinh tế Mỹ những tháng tới.

Nguồn: VITIC