Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 10h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 45,50 triệu đồng/lượng - bán ra 46,32 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 45,20 triệu đồng/lượng - bán ra 46,20 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 45,45 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng) - bán ra 46,10 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 45,45 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng) - bán ra 46 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới giảm trở lại
Sau một phiên phục hồi nhẹ ngày hôm qua, giá vàng đã giảm trở lại. Phiên giao dịch đêm qua, giá vàng tiếp tục thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 1.500 USD/ounce và kết thúc phiên dưới ngưỡng này, ghi nhận thêm một phiên giảm mạnh, đến 10h hôm nay giá vàng xuống mức 1.473,9 USD/ounce.
Giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giảm tới 40,3 USD xuống 1.486,1 USD/ounce khi giới đầu tư đồng loạt đứng ngoài thị trường. Điều này cho thấy kỳ vọng ngắn hạn của giới đầu tư đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh virus Corona lan rộng.
Giá vàng hôm nay cao hơn 17,6% (226 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 41,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 4,5 triệu đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới biến động khó lường, tăng vọt trước đó rồi quay đầu sụt giảm trước khi hồi phục trở lại. Mức biến động lên đến cả trăm USD và có xu hướng cùng chiều với chứng khoán Mỹ. Vàng có chịu áp lực giảm dù sức cầu bắt đáy khá lớn và được dự báo sẽ là kênh tránh bão trong bối cảnh thị trường tài chính chao đảo, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong thời gian tới.
Mặt hàng kim loại quý vẫn bị bán ra khi mà chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trở lại bất chấp Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất và chính quyền ông Donald Trump đang tính dùng cả ngàn tỷ USD để hỗ trợ nên kinh tế.
Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên giao dịch 18/3/2020 sụt giảm 1.000 điểm do giới đầu tư lo ngại các biện pháp tiền tệ và tài khóa cũng khó lòng khiến nền kinh tế tránh được một cú sốc mà có thể nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008.
Thông tin mới nhất cho biết, Mỹ và Canada đã đóng cửa biên giới do dịch Covid-19. Đại dịch lần này chưa có dấu hiện dừng lại và đang tác động đến mọi hoạt động kinh tế, sản xuất trên khắp thế giới.
Giới đầu tư tiếp tục bán vàng để lấy tiền mặt và bán vàng để giải quyết lệnh gọi ký quỹ (margin call) khi dịch Covid-19 bùng nổ nhấn chìm các thị trường chứng khoán.
Tính tới 18/3/2020, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt ngưỡng 200.000, hơn 8.000 người tử vong. Con số ca nhiễm đã tăng gấp đôi sau 11 ngày.
Không chỉ Mỹ, TTCK châu Á trong phiên 18/3 đa phần lao dốc, đảo ngược sự phục hồi lúc đầu phiên nhờ các cam kết thúc đẩy kinh tế trên toàn cầu, trong đó có gói kích thích trị giá hơn 1.000 tỷ USD của Mỹ. Chứng khoán Hồng Kông giảm 4,2%; chứng khoán Thượng Hải mất 1,8%; chứng khoán Sydney giảm hơn 6%; Seoul giảm gần 5%...
Hàng loạt các quốc gia đã có những biện pháp ứng phó với tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường và tác động tiêu cực được dự báo là vô cùng nặng nề.
Trước đó, đại diện châu Âu cũng thừa nhận đã đánh giá thấp virus SARS-CoV-2. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho rằng, có lệnh giới nghiêm ở các quốc gia châu Âu khác, bên cạnh nước Italia.
Ở chiều ngược lại, dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc. Trung Quốc đại lục lần đầu không có ca mắc COVID-19 mới trong ngày. Tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch của Trung Quốc, cũng thông báo không có ca bệnh mới nào trong 13 ngày liên tiếp tại các khu vực ở ngoài thành phố Vũ Hán (Wuhan).
Mặc dù giảm, vàng vẫn được nhiều tổ chức dự báo sẽ lên giá. Sau khi ANZ đưa ra dự báo vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce trong vài tháng tới, Goldman Sachs kiên định dự báo vàng chạm 1.800 USD/ounce trong 12 tháng tới.
Giá các kim loại khác cũng không nằm ngoài xu hướng. Trong đó, giá bạc phiên đêm qua cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm.
Thông tin đáng chú ý hôm qua, một nhà quản lý quỹ đầu cơ lớn là Bill Ackman đã gọi điện thoại cho đài truyền hình CNBC và đưa ra lời kêu gọi Tổng thống Trump hãy đóng cửa chính phủ liên bang trong 30 ngày để “cứu nền kinh tế từ đống đổ nát”.
Gói kích thích hơn 1 nghìn tỷ USD vừa được công bố cũng không cứu vãn được niềm tin của giới đầu tư. Thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc, riêng chỉ số Dow Jones đã mất mốc 20.000 điểm. Các tập đoàn lớn như Boeing và các hãng hàng không Mỹ được đánh giá là đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin đã cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể lên tới 20%. Nhìn từ góc độ thị trường, những người theo dõi thị trường kỳ cựu đang nghiêng về một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử có khả năng lớn sẽ xảy ra.
Tia hy vọng cuối phiên đêm qua là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên trên 1%, cho thấy sự hoảng loạn trên thị trường trái phiếu đã thuyên giảm phần nào.
Trên các thị trường khác, khi giá USD tăng khá thì giá dầu thô tương lai trên sàn Nymex tiếp tục giảm mạnh và chạm mức thấp nhất trong 17 năm là 22,04 USD/thùng.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc 1.600 USD. Song mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc trong tuần này, cũng là mức thấp nhất tuần là 1.450,9 USD/ounce.

Nguồn: VITIC