Giá vàng trong nước tăng
Vào thời điểm lúc 11h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 47,80 triệu đồng/lượng - bán ra 48,47 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 47,50 triệu đồng/lượng - bán ra 48,40 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đ/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 47,85 triệu đồng/lượng - bán ra 48,25 triệu đồng /lượng (tăng 50.000 đ/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 47,88 triệu đồng/lượng (tăng 80.000 đ/lượng) - bán ra 48,23 triệu đồng/lượng (tăng 10.000 đ/lượng).
Giá vàng thế giới tăng
Giá vàng thế giới đêm qua có phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp khi liên tục giao dịch trong vùng giá cao mới là 1.720-1.740 USD/ounce và chốt trên ngưỡng 1.730 USD/ounce. Đáng chú ý, trong phiên vàng đã thiết lập đỉnh mới tại 1.745,4 USD/ounce. Đỉnh này cao hơn đỉnh thiết lập ngày 14/4 ở mức 1.741,9 USD/ounce và trở thành mức giá cao nhất trong gần 8 năm. Phiên đêm qua, giá vàng kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 13 USD lên 1.750 USD/ounce.
Trong phiên sáng nay, vàng điều chỉnh nhẹ. Lúc 7h30 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay được giao dịch tại 1.726,8 USD/ounce sau khi giảm 6,8 USD (0,39%) so với lúc mở cửa; đến 11h giá vàng đạt mức 1.724,8 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 34,5% (443 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 600 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Vàng tăng giá được hỗ trợ một phần từ sự phục hồi mạnh của thị trường dầu mỏ. Phiên đêm qua, giá dầu Nymex West Texas (WTI) kỳ hạn tháng 6 tăng 3,8 USD lên 17,6 USD/thùng.
Sự tăng giá được thúc đẩy bởi căng thẳng Mỹ - Iran kể từ phiên giao dịch thứ 4 khi Tổng thống Trump tweet trên mạng xã hội rằng ông đã chỉ thị cho hải quân Mỹ phá hủy bất kỳ chiếc tàu Iran nào quấy rối tàu của Mỹ.
Liên quan tới tác động của dịch Covid-19, chỉ số quản lý mua hàng tổng hợp tháng 4 của khu vực đồng Euro (PMI) chỉ đạt 13,5 điểm so với 29,7 điểm vào tháng 3. Số liệu quản lý sản xuất tại Mỹ cũng rất thấp, chỉ 36,9 điểm trong tháng Tư. Trong khi đó, chỉ số quan trọng là báo cáo thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ cho thấy tuần qua chỉ có thêm 4,4 triệu lao động mất việc làm, con số phù hợp với kỳ vọng của thị trường, chứng tỏ tác động của dịch bệnh đối với kinh tế Mỹ đã chững lại và cũng là nguyên nhân khiến giá vàng tăng.
Giá vàng thế giới tiếp tục leo lên đỉnh 8 năm trong bối cảnh các thị trường tài chính ổn định trở lại. Giá dầu hồi phục sau cú sốc lịch sử và chứng khoán châu Á phần lớn đi lên.
Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ hồi phục trong quý 2 nhưng nguy cơ suy thoái vẫn cao nếu dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu đi: Dịch bệnh bùng phát trở lại. Trước đó, trong quý 1/2020, GDP của Trung Quốc giảm 6,8%. Theo một cuộc khảo gần đây, tăng trưởng GDP quý 2/2020 của Trung Quốc dao động từ -5% đến 5%.
Các nền kinh tế khác trên thế giới cũng có triển vọng kém sáng sủa. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa cho biết, cơ quan này đang xem xét tăng cường nới lỏng tiền tệ bằng cách tăng mua thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, tại châu Âu, các nước vẫn chưa thống nhất được kế hoạch hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực. ECB mới vạch ra giới hạn hành động việc hỗ trợ các nước Khu vực sử dụng đồng euro.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá vẫn đang có lợi thế trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá ngắn hạn tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 4 là 1.788,80 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc trong tuần này thấp nhất là 1.666,2 USD/ounce.

Nguồn: VITIC