Giá vàng trong nước tăng mạnh
Vào thời điểm lúc 11h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 47,20 triệu đồng/lượng (tăng 450.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 48,02 triệu đồng/lượng (tăng 550.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 46,80 triệu đồng/lượng (tăng 500.000 đồng/lượng) - bán ra 47,95 triệu đồng/lượng (tăng 650.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 47,10 triệu đồng/lượng (tăng 450.000 đồng/lượng) - bán ra 47,90 triệu đồng/lượng (tăng 800.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 47 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng) - bán ra 47,85 triệu đồng/lượng (tăng 650.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới tăng
Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới lúc 7h30 sáng nay theo giờ Việt Nam được giao dịch tại 1.639 USD sau khi điều chỉnh 2 USD (1,12%) so với thời điểm mở cửa.
Vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch đêm qua xuống dưới ngưỡng 1.600 USD nhưng sau đó đã phục hồi và chốt sát ngưỡng 1.650 USD/ounce, ghi nhận một phiên tăng mạnh của kim loại quý. Đêm qua, có lúc giá vàng tăng lên tới 1.698 USD khi có thông tin lan ra thị trường rằng thị trường Anh sẽ đóng cửa do các mỏ vàng trên toàn cầu ngừng hoạt động do tác động của dịch Covid-19.
Tới 11h30 sáng 27/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.624,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4/2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.648 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 27,5% (353 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 45,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 2 triệu đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tăng bứt phá ngay sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu người thất nghiệp tăng phi như tên lửa lên mức cao lịch sử: trên 3,28 triệu người do một nửa dân nước Mỹ bị hạn chế đi lại.
Bản báo cáo của Bộ Lao động Mỹ là một trong những báo cáo quan trọng đầu tiên cho giới đầu tư một cái nhìn lướt qua về những ảnh hưởng kinh tế do những nỗ lực phong tỏa và tự cách ly của người Mỹ nhằm chống lại sự lây lan của SARS-COV-2. Con số thất nghiệp lần này thực sự quá lớn và che mờ con số thất nghiệp tăng thêm kỷ lục 695 ngàn người được ghi nhận vào tháng 10/1982.
Trước đó, ước tính của các nhà kinh tế cũng đã là một con số kỷ lục với dự báo cho rằng số người thất nghiệp tăng lên trong tuần kết thúc vào thứ 7 vừa qua sẽ là từ 1 cho tới 2,5 triệu người, vượt xa so với mức tăng giảm một vài ngàn người theo tuần.
Tuy nhiên, con số thực tế 3,28 triệu người thất nghiệp còn vượt cả dự báo hết sức bi quan của các nhà kinh tế.
Vàng tăng còn trong bối cảnh Thượng viện Mỹ vừa thông qua gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có: 2.000 tỷ USD bơm trực tiếp cho người dân Mỹ, hộ gia đình và các doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp từ Covid-19.
Khối tiền khổng lồ cùng với lượng tiền cũng hàng ngàn tỷ USD do Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ (Fed) bơm vào nền kinh tế là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với vàng. Ước tính, Fed có thể bơm tới 4.500 tỷ USD để giải cứu kinh tế Mỹ. Đây là những hành động mạnh mẽ hơn cả những gì cơ quan này đã làm trong khủng hoảng tài chính 2008.
Trong một động thái gần nhất, Fed tạm ngừng giám sát ngân hàng trong lúc dịch Covid-19 bùng phát nhằm để các ngân hàng có thể hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính.
Fed cho rằng tình hình hiện tại là chưa từng có trong lịch sử và đang tiếp tục diễn biến đáng quan ngại hiện nay có thể gây ra sự gián đoạn hoạt động sản xuất-kinh doanh và những thách thức tạm thời ảnh hưởng đến ngân hàng, doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế. Không chỉ Fed, mà hàng loạt các nước khác cũng đang bơm tiền vào nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vừa quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục: 0,1% nhằm hỗ trợ nền kinh tế giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. BoE cũng nhất trí duy trì quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 645 tỷ bảng (khoảng 772 tỷ USD) sau khi mua thêm 200 tỷ bảng trái phiếu chính phủ trong tuần trước.
Theo một cảnh báo của WTO, suy thoái kinh tế do Covid-19 sẽ nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính năm 2008. Mặc dù chưa có dự báo cụ thể song các nhà kinh tế của WTO dự kiến "hoạt động thương mại sẽ sụt giảm rất mạnh".
Số liệu từ Singapore cho thấy, GDP nước này giảm 2,2% quý đầu tiên của năm 2020. Chính quyền Singapore cũng đang có kế hoạch kích thích kinh tế lớn chưa từng có, trị giá khoảng 48 tỷ SGD (33,7 tỷ USD) nhằm đối phó với tác động về kinh tế do Covid-19 gây ra. Sự bất ổn của nền kinh tế thế giới với khoảng 2,3 tỷ người dân bị phong tỏa là một động lực giúp vàng đi lên.
Tuy thông tin không chắc chắn, song hiện vàng vẫn được hỗ trợ bởi các thông tin kinh tế giảm sút vì dịch bệnh. Chỉ số quản lý mua hàng của Mỹ trong tháng 3 đã giảm còn 40,5 điểm từ 49,6 điểm trong tháng Hai. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Chỉ số này trong tháng 3 của châu Âu cũng giảm mạnh: Chỉ số quản lý mua hàng khu vực đồng Euro tháng hai là là 31,4 điểm, giảm mạnh so với 51,6 điểm hồi tháng hai.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói cứu trợ, thay vào đó một kế hoạch của chính phủ liên bang đã được thống nhất và có thể sớm được thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và ổn định tâm lý thị trường.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá của vàng kỳ hạn đã lấy lại được lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn với mức tăng khoảng 175 USD chỉ trong hai phiên giao dịch vừa qua.
Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo của giá vàng là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự kỹ thuật vững chắc cũng là mức cao nhất trong tháng 3 là 1.704,3 USD. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức thấp nhất phiên hôm qua 1.560,5 USD/ounce.

Nguồn: VITIC