Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Vào thời điểm lúc 14h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 44,15 triệu đồng/lượng - bán ra 44,57 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán so với cuối giờ chiều hôm qua).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 43,90 triệu đồng/lượng - bán ra 44,60 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 44,20 triệu đồng/lượng - bán ra 44,55 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 44,25 triệu đồng/lượng (tăng 30.000 đồng/lượng) - bán ra 44,55 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới giảm nhưng vẫn ở mức cao
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 14h30 hôm nay giao dịch ở mức 1.574,8 USD/ounce (giảm 5,9 USD/ounce so với phiên trước). Đêm 30/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.579 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.583 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 23,1% (296 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 43,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 900 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới treo ở sát đỉnh cao 7 năm trong bối cảnh nỗi lo về dịch bệnh phiêm phổi cấp do virus corona từ Vũ Hán Trung Quốc tăng cao khi mà số người nhiễm đã vượt đại dịch SARS 2003. Các báo cáo mới nhất cho biết gần 8.000 người Trung Quốc bị ảnh hưởng và hơn 170 người đã chết ở Trung Quốc. Có 6 trường hợp được xác nhận tại Hoa Kỳ và chính quyền Trump đã thành lập một đội đặc nhiệm để giải quyết tình huống này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp toàn cầu ở Trung Quốc đang đóng cửa và các chuyến bay từ các nước đến Trung Quốc hầu như đang bị hủy bỏ. Những cái tên mới nhất gồm Google (Mỹ), IKEA (Thụy Điển), Samsung (Hàn Quốc). Apple cũng vừa ra quyết định đóng cửa thêm 2 Apple Store ở Trung Quốc vì lo ngại virus corona. Dịch viêm phổi virus corona mới hiện đang được coi là nguy hiễm và lan rộng hơn so với dịch SARS xảy ra ở châu Á hơn 15 năm trước.
Một số dự báo cho rằng, cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này có thể khiến tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của Trung Quốc giảm 1% và tác động của nó sẽ lớn hơn dịch SARS năm 2003 bởi quy mô nền kinh tế Trung Quốc giờ đã lớn hơn nhiều. Trước đó, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003 đã khiến thế giới thiệt hại hàng chục tỷ USD.
Trong bài phát biểu mới nhất, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng sự bùng phát của virus corona chủng mới có thể tác động đến nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn. Nhận định này đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng như là một tài sản an toàn. Tuy nhiên, ông Jerome Powell cũng lưu ý hiện vẫn chưa rõ quy mô thiệt hại kinh tế do virus này ở Trung Quốc và các nước trên thế giới. Điều đáng lo ngại, theo một số chuyên gia là, nền kinh thế giới hiện phụ thuộc vào “đại công xưởng” Trung Quốc. Do đó, mỗi khi Trung Quốc hắt xì hơi, kinh tế thế giới sẽ cảm cúm.
Trung Quốc hiện sản xuất ra 1/6 hàng hóa trên thế giới và được xem là một phần thiết yếu của bộ máy công nghiệp toàn cầu. Một số hãng ô tô của Nhật và Mỹ buộc phải tạm ngừng hoạt động một số nhà máy lắp ráp lớn ở Trung Quốc thêm một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi đó, nhiều hãng hàng không và công ty du lịch khắp châu Á thấp thỏm theo dõi tình hình dịch bệnh trong tâm trạng sợ hãi do phụ thuộc vào số lượng lớn du khách Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp FOMC chiều thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, sự bùng phát của dịch bệnh do virus corona có thể gây ra hậu quả cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cho biết Fed đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Ông Jerome Powell cũng cho thấy những nhận xét ít lạc quan hơn về nền kinh tế Hoa Kỳ từ việc đầu tư kinh doanh và xuất khẩu của Hoa Kỳ hiện đang chững lại, thúc đẩy thị trường vàng, đồng thời đẩy chỉ số chứng khoán của Hoa Kỳ xuống mức thấp hàng ngày. Theo đó, Fed cho biết buộc sẽ phải hạ lãi suất của Hoa Kỳ vào cuối năm. Điểm dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ mới đây cho thấy, ước tính GDP quý IV tăng 2,1% trên cơ sở hàng năm, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Vàng treo cao và có xu hướng tăng giá do chứng khoán toàn cầu, trong đó có chứng khoán châu Á lao dốc mạnh, trong khi thị trường Trung Quốc vẫn đóng cửa cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất và giá dầu lại sụt giảm... do tác động của dịch bệnh viêm phổi bởi virus corona.
Hiện giá dầu thô giảm, chạm mức thấp nhất 3,5 tháng và giao dịch quanh mức 51,8 USD/thùng. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ thấp hơn khi điều chỉnh trở lại sau khi đạt mức cao 2 tháng vào đầu tuần.
Vàng tăng giá còn do các tổ chức lớn đẩy mạnh mua vào. Lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0,5% lên 903,5 tấn trong phiên 29/1.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá vẫn đang có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn và được củng cố thêm sau bài phát biểu của chủ tịch Fed. Xu hướng tăng giá trong 2,5 tháng vẫn được duy trì trên thanh biểu đồ ngày. Mục tiêu tăng giá tiếp theo của kim loại quý là tạo ra sự đóng cửa giá vàng kỳ hạn trên mức kháng cự vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 1 là 1.613,3 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá tương lai xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.550 USD/ounce.

Nguồn: VITIC