Giá vàng trong nước tăng
Ở thị trường trong nước, ngày cuối tuần giá vàng SJC tại công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết tại thị trường TP HCM với giá mua vào là 48,52 triệu đồng/lượng và giá bán ra 48,90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC trên hệ thống Phú Quý ở mức 48,55-48,80 triệu đồng/lượng. Trên hệ thống Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC đứng tại 48,56-48,76 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tại các thương hiệu trong nước đã tăng nhẹ từ 40-80 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra hầu hết không có biến động nhiều.
Trong khi đó, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu ở mức 47,79-48,39 triệu đồng/lượng, tăng 130 nghìn đồng cả hai chiều mua vào và bán ra trong tuần vừa qua.
Còn giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở 48,55-48,80 triệu đồng/lượng, không đổi so với thời điểm chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới tăng
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 9,7 USD lên 1.728,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng 18,3 USD lên 1.731,6 USD/ounce. Giá vàng khép lại tháng Năm với mức tăng 3,4%.
Giá vàng thế giới phiên ngày 29/5 duy trì đà đi lên, khi ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp tăng gần 10 USD/ounce, khi giới đầu tư ồ ạt mua vào để trú ẩn giữa bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc leo thang. Bên cạnh đó, dữ liệu việc làm Mỹ trong tháng 4 mới được báo cáo tiếp tục ảm đạm cũng là nguyên nhân kéo giá vàng tăng.
Tuần qua, giá vàng thế giới tăng vọt do căng thẳng Mỹ-Trung leo thang lên mức cao chưa từng có sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông và Mỹ có thể tước bỏ chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với đặc khu này. Với những căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục chậm chạm hơn sau đại dịch Covid-19.
Theo Giám đốc phụ trách nghiên cứu của GraniteShares, Ryan Giannotto, tháng Năm giá vàng ổn định nhất, dù thị trường lạc quan về việc các nước mở cửa trở lại nền kinh tế.
Những căng thẳng xung quanh vấn đề Đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc sẽ làm tâm điểm trong những diễn biến sắp tới của giá vàng, khi không chỉ làm yếu đồng USD mà còn làm tăng nhu cầu đối với các tài sản an toàn.
Cameron Alexander, chuyên gia tư vấn kim loại từ Refinitiv GMS, vàng vẫn nằm giữa hai xu hướng. Một là triển vọng kinh tế tích cực sau khi nhiều quốc gia nới lỏng các lệnh phong tỏa, hai là căng thẳng địa chính trị liên quan tới Trung Quốc và Hồng Kông, dẫn tới căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung.
Các ngân hàng trung ương tăng cường thanh khoản trên thị trường tài chính, lãi suất thấp và nguồn cung tiền gia tăng đã giúp triển vọng đi lên của giá vàng “sáng” hơn trong dài hạn.
Theo phân tích của các chuyên gia, giá vàng thế giới đang được 'hỗ trợ' bởi căng thẳng Mỹ - Trung. Mặt khác, lo ngại về khả năng diễn ra làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát và việc các ngân hàng trung ương lớn bơm tiền để kích thích nền kinh tế cũng thúc đẩy giá vàng thế giới đi lên. Theo kết quả khảo sát của Kitco, cả giới chuyên gia và nhà đầu tư đều tiếp tục đặt kỳ vọng vào đà đi lên của giá vàng trong những phiên tới. Cụ thể, có tới 87% chuyên gia ủng hộ xu hướng tăng giá, chỉ có 7% cho rằng giá giảm và 7% giữ quan điểm trung lập. Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, 57% nhà đầu tư dự đoán giá vàng sẽ tăng, 23% dự đoán vàng sẽ giảm và 20% nhà đầu tư cho rằng giá vàng đi ngang.

Nguồn: VITIC