Trong bối cảnh đó, các đối thủ cạnh tranh như Nga được hưởng lợi, khi quốc gia này đang tìm kiếm thị phần khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.

Trong số những công ty đã hủy hay hoãn các chuyến hàng có các nhà xuất khẩu Trung Quốc lâu nay vẫn tận dụng hệ thống hoàn thuế "hào phóng" của Bắc Kinh đối với các mặt hàng thép có giá trị gia tăng.
Theo các tính toán của hãng tin Reuters dựa trên khối lượng xuất khẩu thép hợp kim của Trung Quốc, nước này đã chi đến 2,8 tỷ USD cho hệ thống hoàn thuế này vào năm 2017.
Thế nhưng, hệ thống kể trên lại bị các nhà xuất khẩu lạm dụng khi đòi hưởng mức hoàn thuế 5-13% cho dù những yếu tố gia tăng giá trị như crôm được thêm vào là rất nhỏ, trong khi một số nhà sản xuất khác thì làm giả nhãn mác sản phẩm thành thép hợp kim để được hoàn thuế.
Một trong những nhà xuất khẩu thép ở thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc là Đường Sơn (Tangshan) cho biết công ty này đã hủy 1/3 số lượng chuyến hàng xuất khẩu trong tháng Sáu, và nhiều công ty khác cũng đã hoãn xuất hàng vì sợ rằng những “chiêu trò” lợi dụng hệ thống hoàn thuế có thế bị phơi bày khi các cơ quan hải quan thắt chặt công việc kiểm tra kiểm soát.
Tình trạng hủy xuất hàng kể trên có thể còn gia tăng hơn nữa khi các cơ quan hải quan áp dụng các quy định mới kể từ ngày 1/8 tới, theo đó yêu cầu các công ty vận chuyển phải trả lời hơn 100 câu hỏi trong phiếu thông quan hàng hóa, thay vì 40 câu như quy định hiện hành.
Các cơ quan hải quan không cho biết lý do ban hành các quy định mới này nhưng nhiều người dự đoán mục đích của các biện pháp này là để ngăn chặn hành vi trốn thuế.
Sự thắt chặt việc kiểm soát thông quan của giới chức Trung Quốc có thể làm giảm vị thế của các nhà xuất khẩu thép nước này tại Đông Nam Á, thị trường tiêu thụ khoảng 25% các sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2017.
Trong số các chuyến hàng bị hủy có nhiều chuyến xuất sang Philippines, và nhiều người mua lớn ở đây đã chuyển sang nhập hàng từ Nga và Trung Đông.
Tại Việt Nam, thị trường lớn thứ hai của Trung Quốc sau Hàn Quốc, hầu hết các công ty thép có thể sẽ ngừng nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh các mức thuế cao mà Mỹ đánh lên các sản phẩm thép từ Việt Nam mà Washington cho là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng cùng với tình hình căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ, việc siết chặt kiểm soát như trên sẽ khiến cho xuất khẩu thép của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể giúp xoa dịu những căng thẳng với Mỹ, khi Washington lâu nay vẫn kêu gọi Bắc Kinh giảm thặng dư thương mại.