Theo số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số giá quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 372,86 điểm hôm 27/5/2019, tăng 3,13% tương đương 11,31 điểm so với chỉ số trước đó ngày 24/5/2019.

Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 304,88 điểm, tăng 0,39% tương đương 1,19 điểm so với chỉ số trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 385,71 điểm, tăng 3,55% tương đương 13,22 điểm so với chỉ số trước đó.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 28/5/2019 đạt mức cao kỷ lục mới, do nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép từ Brazil bị đình trệ, trong khi nhu cầu nội địa vẫn ở mức cao.

Dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm xuống 127,8 triệu tấn tính đến ngày 24/5/2019, thấp nhất kể từ đầu năm 2017, số liệu mới nhất của công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên tăng 2,8% lên 774,5 CNY (112,18 USD)/tấn, cao nhất kể từ năm 2013.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng lên mức cao đỉnh điểm 5 năm (106,5 USD/tấn) trong ngày thứ hai (27/5/2019), so với 103,5 USD/tấn trong ngày thứ sáu (24/5/2019), công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Nhà phân tích cấp cao Richard Lu thuộc CRU, Bắc Kinh cho biết: “Giá quặng sắt tăng chủ yếu do cung cầu thắt chặt bởi nguy cơ vỡ đập tại Gongo Soco”.

Lo ngại về nguồn cung gia tăng sau khi Vale mới đây nói với công tố viên tại bang Minas Gerais Brazil rằng một con đập tại mỏ Gongo Soco có nguy cơ bị vỡ.

Thảm họa đập Brumadinho và việc đóng cửa mỏ khai thác tại Brazil đã khiến Vale, mỏ khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, giảm ước tính doanh số bán quặng sắt trong năm nay, đẩy giá đạt mức cao kỷ lục.

Sản lượng thép thô tại Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ hợp kim hàng đầu thế giới tăng lên 85 triệu tấn trong tháng 4/2019, tăng 12,7% so với tháng 4/2018, Hiệp hội thép thế giới cho biết.

Việc bổ sung quặng sắt mới đây bởi các khách mua hàng Trung Quốc dẫn đến dự trữ tại các cảng Trung Quốc giảm đáng kể, đẩy giá quặng sắt vượt 100 USD/tấn.

Đồng CNY suy yếu so với đồng USD đẩy giá quặng sắt thị trường nội địa tăng. Giá quặng sắt tăng, trong khi giá các nguyên liệu sản xuất thép giảm, với giá than luyện cốc giảm 1,2% xuống 1.387 CNY/tấn, giá than cốc giảm 3,3% xuống 2.233 CNY/tấn.

Giá thép giảm. Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 0,8% xuống 3.846 CNY/tấn.  Giá thép cuộn cán nóng sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng giảm 1,4% xuống 3.659 CNY/tấn.

Các thông tin khác:

Thép OCTG: Thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), nước này đã nhập khẩu 227.000 tấn thép ống dẫn dầu (OCTG) trong tháng 4/2019, tăng 3,9% so với tháng 3/2019, trong khi giảm 24,3% so với tháng 4/2018. Kim ngạch nhập khẩu đạt 233 triệu USD.

Trong số đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm phần lớn đạt 54.000 tấn. Các nguồn khác bao gồm Nga, Mexico, Brazil và Saudi Arabia, với 38.000 tấn, 18.000 tấn, 17.000 tấn và 16.500 tấn theo thứ tự lần lượt.

Thép dầm chữ H: Thống kê từ Hải quan Đài Loan (TQ), trong tháng 4/2019 Đài Loan xuất khẩu tổng cộng 13.000 tấn thép dầm chữ H, tăng 4,5% so với 12.600 tấn tháng 3/2019  với kim ngạch xuất khẩu đạt 266 triệu NTD.

Trong số đó, 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu là Mỹ, Hồng Kông và Malaysia với 9.100 tấn, 2.000 tấn và 700 tấn theo thứ tự lần lượt.

Thép tấm AP: China Steel Corporation (CSC), công ty sản xuất thép cacbon lớn nhất tại Đài Loan (TQ) sẽ giảm giá thép cuộn cán nóng trong quý 3/2019.

Sau khi điều chỉnh, giá thép tấm AP vẫn duy trì ổn định ở mức 20.500 NTD/tấn. Khoảng cách giá thép tấm AP và thép góc chỉ ở mức 500-600 NTD/tấn.

Các khách hàng hạ nguồn đề xuất CSC giảm giá thép tấm AP trở về mức giá bình thường. Trước đó khoảng cách giá thép tấm AP và thép góc ở mức 1.000 NTD/tấn.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: vinanet