Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 11/2/2019 tăng lên mức cao kỷ lục, phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 1 tuần, do lo ngại nguồn cung từ Brazil – nguồn cung quặng sắt lớn thứ hai của nước này – có thể giảm sau tai nạn vỡ đập tại mỏ khai thác quặng Vale SA.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao kỷ lục 652 CNY (96,3 USD)/tấn.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 3, tháng 7, tháng 9 và tháng 11 cũng tăng trong đầu phiên giao dịch ngày thứ  hai (11/2/2019).

Thương nhân quặng sắt có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Giá quặng sắt tăng được thúc đẩy bởi khoảng cách nguồn cung thực tế và tâm lý đầu cơ của các nhà đầu tư”.

Trong tuần trước, chính phủ Brazil đã kêu gọi Vale ngừng sử dụng 8 đập hoặc chất thải quặng sau khi một con đập bị vỡ hôm 25/1/2019 tại mỏ khai thác Corrego do Feijao.

Việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến 9% sản lượng quặng sắt hàng năm của công ty này và khiến Vale tuyên bố bất khả kháng, phán quyết pháp lý có nghĩa là công ty không thể thực hiện đầy đủ các hợp đồng, do các tình huống không lường trước được đối với các hợp đồng xuất khẩu.

Các nhà phân tích điều chỉnh dự báo ảnh hưởng sản lượng quặng sắt lên tới 70 triệu tấn từ mức 40 triệu tấn 2 tuần trước đó.

Giá thanh cốt thép  kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng hơn 3% lên 3.870 CNY/tấn, cao nhất trong 5 tháng, do các thương nhân dự kiến nguồn cung sẽ giảm trong vài tháng tới.

Giá thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải tăng 3% lên 3.736 CNY/tấn.

Thành phố sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn, Trung Quốc – sẽ áp đặt các hạn chế sản xuất đối với ngành công nghiệp nặng từ tháng 4 đến tháng 9, để cải thiện chất lượng không khí. Các nhà máy thép tại thành phố này sẽ nhận yêu cầu giảm 1/2 sản xuất thiêu kết, một quá trình chuẩn bị quặng sắt thô để luyện thép, và tiếp tục thực thi các hạn chế đối với lò cao.

Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 0,6% xuống 1.268 CNY/tấn, trong khi giá than cốc tăng 1,5% lên 2.111 CNY/tấn.

Các thông tin khác:

Thép phế liệu: Theo thống kê, Nhật Bản xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn thép phế liệu năm 2018, giảm 9,8% so với 8,2 triệu tấn năm 2017.
Trong số đó, xuất khẩu Hàn Quốc chiếm 54,9% trong tổng số, đạt 4,07 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm 2017, sang Việt Nam chiếm 21,2%, đạt 1,57 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2017, Trung Quốc chiếm 14,4%, đạt 1,07 trệu tấn, giảm 41,2% so với năm 2017, sang Đài Loan (TQ) chiếm 6%, với 44,7 triệu tấn, tăng 12,2% so với năm 2017.
 Thép thanh không gỉ: Thống kê từ Hiệp hội Sắt và Thép Hàn Quốc (KOSA), nhập khẩu thép thanh không gỉ của Hàn Quốc năm 2018 đạt 25.500 tấn, giảm 3,9% so với năm 2017, giảm 4 năm liên tiếp.
Thống kê cho thấy rằng, nhập khẩu từ Đài Loan (TQ) và Italia đạt 7.600 tấn và 1.700 tấn theo thứ tự lần lượt, giảm 14% và 5,1%. Nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 8.300 tấn, tăng 19,2% so với năm 2017.
Ngoài ra, Hàn Quốc tuyên bố điều tra chống bán phá giá đối với thép thanh không gỉ từ Đài Loan và Italia năm 2018, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhập khẩu. Kết quả điều tra này dự kiến sẽ được đưa ra trong năm nay, và khối lượng nhập khẩu thép thanh không gỉ từ Đài Loan và Italia có thể ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quặng sắt: Theo thống kê, Nhật Bản nhập khẩu 123,9 triệu tấn quặng sắt năm 2018, giảm 2,1% so với 126,5 triệu tấn năm 2017. Trong số đó, nhập khẩu từ Australia đạt 72,1 triệu tấn, từ Brazil đạt 33,3 triệu tấn, từ Canada đạt 6,1 triệu tấn, từ Nam Phi đạt 4,1 triệu tấn.
 Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: vinanet