10 điểm nổi bật

1. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm: Tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%) trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn). Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tổng đầu tư toàn xã hội 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD.

2.  Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

3. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục. Vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Đến 26/12, cả nước có 2.556 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,18 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7%.

4. Khu vực dịch vụ, du lịch khởi sắc. Khu vực dịch vụ tăng 6,98%; thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.

5. Môi trường kinh doanh được cải thiện. Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015.

6. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay có 30 đơn vị cấp huyện và 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 25%.

7. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%. Tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lượt người. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu tiên đạt trên 81%… Trong lĩnh vực thể thao, lần đầu tiên Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Olympic.

8. Công tác xây dựng pháp luật được chú trọng. Ban hành 162 nghị định quy định chi tiết các luật, nhất là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

9. Tập trung phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các vụ phá rừng. Trong bối cảnh khó khăn, chủ trương của Chính phủ là không để người dân nào bị đứt bữa, bệnh tật trong thiên tai.

10. Chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức xúc. Trong đó có sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Những tồn tại, hạn chế nổi bật

Bên cạnh 10 kết quả tích cực, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra 9 mặt tồn tại, hạn chế nổi bật trong năm 2016 để khắc phục làm tốt hơn trong thời gian tới.

1. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh.

2. Thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng.

3. Sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

4. Các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn.

5. Còn nhiều ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng.

6. Xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng.

7. Nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra.

8. Có các sai phạm trong công tác cán bộ

9. Xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm (xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60; Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á).

Nguồn:Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử