1. Không khí khởi nghiệp qua con số doanh nghiệp lập mới tăng kỷ lục

Theo số liệu thống kê từ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết ngày 20-12, số doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2016 trên cả nước đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 đơn vị, tăng 16,2% so với năm 2015. Các doanh nghiệp mới thành lập đã đăng ký tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động.

Như vậy, tổng số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động cả năm là 136.800 doanh nghiệp, tổng số vốn bổ sung và tăng thêm cho nền kinh tế là khoảng 2,5 triệu tỷ đồng.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi không khí khởi nghiệp và dấu hiệu của sự cải thiện môi trường đầu tư. Dù vậy, tốc độ triển khai đầu tư của các doanh nghiệp thành lập mới vẫn còn là một dấu hỏi.

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và không thời hạn, hoàn tất giải thể là 73.145 doanh nghiệp. Bình quân, mỗi ngày có 200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hoàn tất giải thể.

2. Công khai tình trạng sức khỏe của các tập đoàn kinh tế nhà nước

Giữa tháng 10/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước.

Trong giai đoạn trước đây, thông tin về các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước rất mơ hồ. Trong năm 2016, hiện trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém đã bắt đầu lộ diện như nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình, Điện lực TKV đã chuyển từ lãi xuống lỗ gần nghìn tỷ sau soát xét 6 tháng đầu năm 2016....

Mặc dù thông tin công bố về hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước hầu hết không tích cực. Nhiều trường hợp DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng, mọi hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cần phải đảm bảo tính minh bạch công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội. Điều này một mặt sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời giúp các cơ quan quản lý có những giải pháp can thiệp kịp thời, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

3. Vinamilk và sóng gió đợt thoái vốn của SCIC

Với thông điệp “Chính phủ sẽ không đi bán rượu, bán bia”. Thương vụ bán vốn Nhà nước đã được mở màn bằng phiên chào bán cạnh tranh 9% cổ phần Vinamilk. Đây là thương vụ được kỳ vọng sẽ giúp thu về ngân sách, đồng thời thu hút một lượng ngoại tệ lớn vào thị trường Việt Nam.

Kết quả chào bán, 60% trong tổng số lượng cổ phần Vinamilk chào bán được nhà đầu tư mua với giá 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7% so với giá thị trường ở cùng thời điểm, giá trị thương vụ đạt con số 500 triệu USD, cao nhất các thương vụ thực hiện tại Đông Nam Á năm 2016..

4. Chấn động TTF, MTM

MTM và TTF là 2 từ khóa nổi bật về doanh nghiệp niêm yết trong năm 2016. Sự nổi bật đó không dựa trên những giá trị của doanh nghiệp mà ngược lại, là những mặt trái xấu xí của thị trường.

Nếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung được xem là một doanh nghiệp “ma” khi đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch Upcom với những tài liệu không đầy đủ, thông tin mơ hồ thì cổ phiếu TTF của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành lại mang đến một nỗi đau "khó nuốt" ngay cả đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cổ phiếu TTF đã được nhà đầu tư săn đón trên thị trường chứng khoán khi thông tin về việc phát hành cổ phiếu cho Tân Liên Phát (Công ty con của Vingroup) để cấn trừ nợ và đưa ra những kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cho giai đoạn 2016-2020 được đưa ra.

Tuy vậy, không lâu sau đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát đột ngột thông báo tạm dừng giải cứu khoản nợ 1.200 tỷ đồng do Công ty kiểm toán E&Y đã phát hiện con số “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” tại TTF lên tới 980 tỷ đồng, cộng với khoản phải thu cũng giảm 264 tỷ đồng.

Theo đó, kiểm toán đã hoạch toán vào kết quả kinh doanh quý II/2016 với khoản lỗ 1.123 tỷ đồng khiến lỗ lũy kế 1.082 tỷ đồng, ăn mất 75% vốn điều lệ của TTF. Điều mà đơn vị kiểm toán trước đó là Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam không hề đưa ra ý kiến.

Với sự cố trên, cổ phiếu TTF đã bị bán tháo. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, cổ phiếu TTF đã cuốn bay gần 5.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Với khoản lỗ lớn 9 tháng đầu năm 2016, lỗ sau thuế chưa phân phối tính tại 30/9/2016 là âm 1.605 tỷ đồng, vượt 160 tỷ đồng so với vốn đầu tư của chủ sở hữu hiện tại là 1.446 tỷ đồng. Khả năng TTF sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc vào năm 2017 là rất cao nếu không có kết quả kinh doanh đột phá trong quý IV/2016.

5. Eximbank – 3 lần đại hội bất thành

Nếu nói đến một doanh nghiệp nào có nội bộ lục đục nhất trong năm 2016, phải nói đến Eximbank.

Ngân hàng này đã 3 lần hụt tổ chức ĐHCĐ trong năm 2016. Lần thứ nhất là do hai nhóm cổ đông lớn trên 10% đề xuất bầu bổ sung thành viên HĐQT nhưng không hiện diện, nên Đại hội không thể tiến hành.

Đến đại hội lần 2 vào tháng 5/2016, cuộc họp đã bị trễ 2 tiếng đồng hồ do những màn đối chất nảy lửa giữa cổ đông và hội đồng quản trị một cách mất trật tự và không thể kiểm soát. Kết quả, sau gần 5 giờ đồng hồ tranh cãi với một bầu không khí lộn xộn chưa từng thấy tại một đại hội cổ đông nào, cuộc họp bị buộc phải dừng và trả lại hội trường để phục vụ công tác an ninh cho việc đón tiếp Tổng thống Obama. Đại hội cổ đông Eximbank lần thứ 2-2016 kết thúc mà không có nội dung nào được thông qua. Theo đó, Eximbank buộc phải tổ chức đại hội lần 3.

Tuy nhiên, đến cuối tháng7/2016, ngân hàng này lại ra thông báo của hội đồng quản trị thông qua về việc hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường. Nguyên nhân được đưa ra là do Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

Lục đục tại Eximbank được cho là do nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có cả vấn đề giành quyền kiểm soát giữa các nhóm cổ đông. Một vấn đề bức thiết hiện nay nay là tình hình nợ xấu của ngân hàng này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh bê bết kể từ năm 2016. Cổ phiếu EIB cũng bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/06/2016 bị âm.

6. Năm “ăn nên làm ra” và lùm xùm quanh “siêu dự án” của tập đoàn Hoa Sen

Năm 2016 chứng khiến sự tăng trưởng ngọan mục của Hoa Sen Group khi lợi nhuận ước tính tăng gấp đôi so với năm tài chính trước đó. Cổ phiếu HSG trong năm nay cũng đã tăng giá 150% so với hồi đầu năm dù đã chia thưởng tỷ lệ 2:1 và cổ tức 25% bằng tiền mặt.

Dù vậy, vấn đề được quan tâm nhất đối với Hoa Sen và vị chủ tịch của tập đoàn này trong năm 2016 chính là những tranh luận liên quan đến “siêu dự án” Khu liên hợp thép Cà Ná với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD.

Trước đó không lâu, thảm họa môi trường do Formosa gây ra đã tạo ra làn sóng phản ứng gay gắt của người dân đối với các dự án làm ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, kéo theo sự hoài nghi và lo ngại rất lớn của người dân, các chuyên gia kinh tế, cũng như những người trong ngành về rủi ro của “Siêu dự án” này.

Dù vậy, tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường được tổ chức vào tháng 09/2016, cổ đông HSG đã đồng ý thông qua dự án này.

7. Mobifone và thương vụ chi gần 9.000 tỷ đồng mua AVG

Thương vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone 95% cổ phần tại Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) và đổi hệ thống truyền hình An Viên của AVG thành MobiTV cũng là trong những thương vụ M&A đình đám nhất trong năm nay. Thông thường, thương vụ này có giá bao nhiêu sẽ là một ẩn số.

Tuy nhiên, năm 2016 đã có sự khác biệt lớn. Đây cũng là năm đầu tiên Mobifone công bố báo cáo tài chính trên cổng thông tin của mình. Trên báo cáo tài chính quý 3/2016 của MobiFone, doanh nghiệp này đã đầu tư gần 8.890 tỷ đồng vào AVG. Còn theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn điều lệ của AVG trong cùng thời điểm hơn 3.600 tỷ đồng.

Sự việc chi gần 9.000 tỷ đồng vào AVG đặt ra câu hỏi lớn về giá trị của khoản đầu tư này.

Đầu tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Thời gian thanh tra trong vòng 50 ngày.

Kết thúc thời gian thanh tra, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều tối ngày 29/11, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạoThanh tra Chính phủ vào làm việc với MobiFone nhưng hiện nay chưa có kết luận cuối cùng.

8. Sabeco tăng phi mã sau khi lên sàn

Sự việc Sabeco và Habeco trốn tránh việc niêm yết sau hơn 8 năm cổ phần hóa trở thành một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong năm 2016.

Sabeco và Habeco đã có sự thay đổi “chóng mặt” ngay sau khi có sự chỉ đạo, thúc ép của Chính phủ. Ngày 28/10, Habeco lên sàn Upcom. Đến ngày 06/12, Sabeco cũng chính thức niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE). Sau khi lên sàn, Cổ phiếu Habeco và Sabeco đã gây nên cơn sốt giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam do nguồn cung quá ít, đạt đỉnh 225.000 đồng/cp.

9. Những vụ IPO thành công hoành tráng

Đầu năm 2016, Vissan trở thành hiện tượng khi có phiên IPO với giá đấu bình quân 80.053 đồng/cổ phần, cao gấp 4,7 lần giá khởi điểm. Phiên IPO phát hành cho cổ đông chiến lược sau đó, Anco đã chi ra 126.000 đồng cho mỗi cổ phiếu Vissan để vượt qua tập đoàn CJ của Hàn Quốc và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan.

Mức giá trên gấp 60 lần so với mức thu nhập của Vissan vào thời điểm đó, trở thành một trong những thương vụ IPO thành công nhất trong vòng những năm qua. Cổ đông nhà nước cũng đã thu về 2.333 tỷ đồng qua 2 đợt phát hành.

Đến cuối năm 2016, Novaland, một tên tuổi lớn trong ngành bất động sản cũng chuẩn bị niêm yết cổ phiếu lên sản HOSE. Theo thông tin đăng tải trên Deal Street Asia, tập đoàn bất động sản Novaland vừa bán thành công cổ phần cho một nhóm các nhà đầu tư trong thương vụ có giá trị 120 triệu USD.

Novaland chào sàn Hose với giá tham chiếu 50.000 đồng/cp vào ngày 28/12 và tăng trần với lượng khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị tại mức giá 60.000 đồng/cp.

Ngoài ra, hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng đột ngột thông báo sẽ niêm yết cổ phiếu nên HOSE tháng 2/2017. Mới đây, Vietjet Air đã hoàn tất đợt bán 44,8 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư tổ chức.

Có thể thấy, không khí sôi động đang trở lại trên thị trường chứng khoán, không chỉ về mặt điểm số mà còn sự đa dạng nguồn cung khi nhiều tên tuổi lớn rục rịch kéo nhau lên sàn.

10. Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, thâm hụt ngân sách và dư địa tăng tăng trưởng vốn đầu tư cho nền kinh tế thấp do nợ công tăng cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng…

Tại phiên họp đầu tháng 11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về "xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp".

Chính phủ mới ra đời trong năm nay cũng đã phát đi thông điệp về chính sách xoay trục, xem kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ tập trung xây dựng một Chính phủ kiến tạo, cải cách hành chính để hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Nguồn: ndh.vn