Cụ thể, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 340 dự án với tổng vốn đầu tư gần 375 triệu USD. Mặt khác, có 91 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư hơn 346 triệu USD.
Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 915 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký 1,15 tỷ USD.
Như vậy, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, 6 tháng đầu năm 2017, thành phố thu hút được 2,15 tỷ USD.
UBND TP. HCM cũng cho biết, trong số các dự án FDI được cấp mới, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất (33,1%) với 124 triệu USD; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy chiếm 29,4% với 110 triệu USD; thông tin và truyền thông chiếm 15% với 56,23 triệu USD...
Hàn Quốc có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26,9% trong tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 14,1%, Malaysia chiếm 12,1%, Singapore chiếm 11,1%...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghệ cao tại thành phố được chú trọng vào các tập đoàn, công ty lớn, có thương hiệu, đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và triển khai công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư.
Với giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao của TP. HCM tăng gần 80% trong nửa đầu năm, sản phẩm công nghệ cao được kỳ vọng sẽ đóng góp đến 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2017.
Nguồn: doanhnghiepvn.vn