Diễn biến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 và 2017
ĐVT: Tỷ USD

 

Dẫn nguồn tin từ Báo HQ online, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 8/2018 kim ngạch xuất khẩu củc cả nước đạt 24,481 tỷ USD, nâng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 158,414 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua diễn biến kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến hết tháng 8/2018 cho thấy, tháng 8 là tháng đạt trị giá kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Trong 8 tháng, ngoài tháng 8 có thêm 3 tháng đạt được kim ngạch xuất khẩu từ 20 tỷ USD trở lên là tháng 7 đạt 20,32 tỷ USD; tháng 3 đạt 21,133 tỷ USD và tháng 1 đạt 20,22 tỷ USD.
Tuy nhiên, so với tháng 1, tháng 3, và tháng 7, trị giá kim ngạch của tháng 8 vượt rất xa.
Đóng góp quan trọng vào thành tích xuất khẩu tháng 8 là 5 nhóm hàng chủ lực mang về kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Đó là: Điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép
Đặc biệt, 4/5 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt xa dự báo của các nhà chuyên môn đưa ra hồi cuối tháng 8.
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,16 tỷ USD (trong khi ước tính trước đó chỉ đạt 4,4 tỷ USD); hàng dệt may đạt 3,161 tỷ USD (ước đạt chỉ 2,9 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,895 tỷ USD (ước đạt chỉ 2,5 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,585 tỷ USD (ước đạt chỉ 1,35 tỷ USD).
Trong các mặt hàng chủ lực, chỉ giày dép có kim ngạch thực tế gần như đúng tuyệt đối với con số ước đạt 1,4 tỷ USD được đưa ra trước đó (kim ngạch đạt 1,4005 tỷ USD).
Mặt khác, mức kim ngạch của tháng 8 cũng lớn hơn đến 4,68 tỷ USD so với mức bình quân chung của 8 tháng (mức bình quân 8 tháng là 19,801 tỷ USD/tháng).
Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tháng 8 đạt 21,284 tỷ USD. Đây cũng là kết quả tương đối cao so với mức bình quân chung của các tháng trước đó.
Với kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt rất cao nên riêng tháng này cả nước thặng dư thương mại đến 2,577 tỷ USD.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại cả nước đạt con số xuất siêu gần 4,7 tỷ USD.
Để thúc đẩy xuất khẩu, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp (DN) phải cố gắng đảm bảo được 5 chữ “CH” có trong cụm từ: Chất lượng,đạt chuẩn, chuỗi giá trị, chuyên môn hóa và chế biến sâu.
Đó là:
Thứ nhất, muốn tham gia vào chuỗi mà là chuỗi có giá trị gia tăng cao, DN phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Sản phẩm cần được kiểm soát qua cả một quy trình, truy xuất được nguồn gốc từ khâu đầu cho đến những sản phẩm cuối cùng.
Thứ hai, sản phẩm của DN phải đạt những tiêu chuẩn quy định khác nhau của các nước NK. Tiêu chuẩn của các nước với hàng hóa NK thường khác nhau rất nhiều. Những nước công nghiệp hóa càng cao, là thị trường tiêu thụ Việt Nam muốn hướng tới lại càng có những đòi hỏi khắt khe.
Thứ ba, DN phải tham gia vào các chuỗi giá trị với nhau để cùng kết nối, hỗ trợ nguồn lực cho nhau. Việc liên kết tham gia chuỗi này giúp đem lại những giá trị gia tăng tốt hơn cho mỗi DN.
Thứ tư, DN phải nâng cao tính chuyên môn hóa các sản phẩm. DN Việt Nam hiện nay vẫn thường hay theo đuổi số lượng nhiều hơn hoặc muốn dàn trải nhiều mặt hàng nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nếu không chuyên môn hóa, DN sẽ khó có thể trở thành chuyên nghiệp trên thị trường toàn cầu hiện nay.
Thứ năm, các DN phải cố gắng chế biến sâu hơn các sản phẩm, làm sản phẩm chế tác nhiều hơn. Bởi, nếu DN xuất thô hoặc chỉ sơ chế thì không thể có giá trị gia tăng tốt khi tham gia vào chuỗi. Bên cạnh đó, các DN cũng phải cố gắng tận dụng các chỉ dẫn địa lý, yếu tố có thể đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và nâng cao thương hiệu cho hàng Việt. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 chỉ dẫn địa lý đã được đưa ra nhưng các DN chưa tận dụng được tốt để xây dựng thành những thương hiệu riêng, sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Nguồn: Vinanet