Dự báo này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2017 công bố ngày 26/9.
Theo báo cáo trên, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á dự kiến đạt mức tăng trưởng 5,9% và 5,8% lần lượt vào năm 2017 và 2018.
Tốc độ tăng trưởng này không thay đổi so với dự báo được đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, song cao hơn mức dự báo 5,7% cho cả 2 năm theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á được ADB công bố hồi tháng 4.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,7% trong năm nay và 6,4% trong năm tới, giữ nguyên mức dự báo hồi tháng 7.
Đối với khu vực Nam Á, ADB giảm dự báo tăng trưởng xuống 6,7% trong năm nay và 7% trong năm tới, lần lượt từ mức 7% và 7,2% được đưa ra hồi tháng 7. Dự kiến, Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 7% và 7,4%, thấp hơn so với mức dự báo tương ứng 7,4 và 7,6% được đưa ra trong tháng 7.
ADB dự báo các nước Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 5,1% trong năm tới, cao hơn mức dự báo 4,8% và 5% trước đó.
Theo chuyên gia kinh tế ADB Yasuyuki Sawada, các nước đang phát triển tại châu Á nên tận dụng những triển vọng kinh tế thuận lợi trong ngắn hạn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện năng lực sản xuất và duy trì chính sách kinh tế hợp lý nhằm nâng cao tăng trưởng trong dài hạn.
Tuy nhiên, ADB cảnh báo các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần đề phòng nguy cơ thoái vốn ra nước ngoài và lãi suất cho vay cao hơn trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu những động thái nhằm từng bước chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ cũng như dự kiến tiếp tục nâng lãi suất.
Cũng trong báo cáo trên, ADB nhận định việc tăng cường vốn tư nhân và chuyên môn kỹ thuật thông qua hình thức Đối tác công-tư (PPP) có thể giúp các nước châu Á-Thái Bình Dương đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện đang ở mức 1.700 tỷ USD/năm.
Theo ADB, cơ sở hạ tầng của châu Á cần có nguồn lực tài chính để giải quyết nhu cầu khổng lồ hiện nay. Ước tính hơn 400 triệu người châu Á đang sống trong cảnh thiếu điện, 300 triệu người không được tiếp cận nước sạch, 1,5 tỷ người không được sử dụng hệ thống vệ sinh cơ bản.
Do đó, khu vực này sẽ cần đầu tư khoảng 1.700 tỷ USD/năm cho đến năm 2030 để duy trì đà tăng trưởng, giảm đói nghèo, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Để đáp ứng các khoản đầu tư này, mỗi năm khu vực này cần có thêm tới 500 tỷ USD.
Tại một số khu vực, ngân sách nhà nước chiếm tới 92% đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi một số nền kinh tế lại gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này do thâm hụt tài chính cao và nợ công lớn.
Chuyên gia kinh tế Sawada cho rằng nếu như được triển khai hợp lý, PPP sẽ có tiềm năng đáp ứng nhu cầu khổng lồ về cơ sở hạ tầng của khu vực, tăng cường năng lực và nguồn lực của lĩnh vực tư nhân trong mục tiêu chung về phát triển bền vững.
Nguồn lực của chính phủ và các thể chế tài chính quốc tế như ADB là không đủ để thực hiện, trong khi lĩnh vực tư nhân có thể giúp giải quyết vấn đề này thông qua mô hình PPP.
Mô hình PPP ngày càng phổ biến ở châu Á với các dự án liên quan trong khu vực đã tăng gấp 4 lần trong 25 năm qua. Phân tích sự tham gia của tư nhân trong dữ liệu cơ sở hạ tầng cho thấy số dự án PPP tại khu vực đang phát triển của châu Á tăng 11%/năm trong giao đoạn từ năm 1991-2015.
Khu vực này chiếm một nửa số dự án trong tổng số dự án tại 139 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới, xếp sau khu vực này là Mỹ Latinh và Caribe với 30%. Tuy nhiên, việc phân bổ PPP tại các nền kinh tế và các lĩnh vực trong khu vực là không đồng đều.
Cụ thể, lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng là trọng tâm truyền thống của các dự án PPP, trong khi y tế và giáo dục là những lĩnh vực mới đối với mô hình này.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch PPP trong các dự phát triển tại châu Á và Thái Bình Dương, báo cáo của ADB nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện quản lý, thực thi luật pháp, cũng như các phương thức liên quan đến PPP.

Nguồn: Vietnamplus.vn