Tại báo cáo này, các chuyên gia nghiên cứu của WB nhận định, trao đổi thương mại toàn cầu năm 2016 tiếp tục tăng thấp, ghi nhận 5 năm sụt giảm liên tiếp kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, kể cả tại các nước phát triển và đang phát triển.

Báo cáo nhận định, trao đổi hàng hóa toàn cầu năm 2016 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong thời gian qua với kết quả tăng khoảng 1%, thấp hơn nhiều so với kết quả tăng 2% trong năm 2015 và 2,7% trong năm 2014.

Đáng chú ý, xu hướng thương mại tăng thấp trong năm 2016 xảy ra tại hầu khắp các nước trên thế giới, khác hẳn với những năm trước đó là chỉ xảy ra tại các nước thu nhập cao. Tuy nhiên, trao đổi dịch vụ ghi nhận một năm phát triển bền vững nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ảnh minh họa

Sau năm 2008, hoạt động thương mại và dịch vụ trên thế giới phát triển theo quỹ đạo khác nhau. Trong thời kỳ khủng hoảng và hiện nay, trao đổi dịch vụ thể hiện xu hướng phát triển khá bền vững, trong khi trao đổi hàng hóa có xu hướng tăng chậm dần.

Trong giai đoạn 2012-2016, thương mại toàn cầu tăng trung bình 3%/năm, thấp hơn kết quả tăng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 1994-2008. Tương tự, năng suất lao động trong giai đoạn 2012-2016 cũng chỉ tăng khoảng 1%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trung  bình 2%/năm trong giai đoạn 1994-2008.

Kết quả phát triển thương mại năm 2016 phản ánh hàng loạt thay đổi mang tính cơ cấu, bao gồm sự phát triển chín muồi của các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs), quá trình tự do hóa thương mại tăng chậm dần, một số yếu tố mang tính chu kỳ như kinh tế toàn cầu tăng chậm và giá cả hàng hóa ở mức thấp, nỗ lực tái cân bằng kinh tế tại Trung Quốc. Ngoài ra, bất ổn chính sách cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại trong năm 2016. 

Tăng trưởng thương mại và dịch vụ toàn cầu 2012-2016 (% so với năm trước)

 

Thương mại và

dịch vụ

Xuất khẩu

hàng hóa

Nhập khẩu

hàng hóa

2012

2,8

1,4

1,3

2013

3,5

2,4

2,0

2014

3,8

2,8

2,6

2015

2,7

2,1

1,9

2016*

1,9

1,1

1,1

Nguồn: Báo cáo của IMF về triển vọng kinh tế toàn cầu; Trung tâm kế hoạch thuộc Văn phòng Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan. (*): Tính đến cuối tháng 11/2016

Nghiên cứu cho thấy tương quan tỷ lệ nghịch giữa bất ổn chính sách và thương mại toàn cầu: Bất ổn càng tăng, hoạt động thương mại càng giảm. Trong đó, các hiệp định thương mại đóng góp tích cực cho tăng trưởng thương mại và thương mại đang tăng chậm do sự thiếu vắng những hiệp định thương mại. Khó khăn trong các cuộc đàm phán thương mại có thể cản trở thương mại, làm gia tăng bất ổn chính trị. Thương mại tăng chậm trong thời gian qua cũng đóng góp vào sự phát triển ì ạch của các GVC, qua đó giải thích phần nào xu hướng tăng chậm dần của năng suất lao động. Đến lượt nó, sự giảm tốc trong việc mở rộng GVC cũng làm giảm quy mô tăng trưởng năng suất lao động.

Năm 2016, thương mại tăng chậm là nét đặc trưng của các nước phát triển và đang phát triển. Trong hai năm 2012 và 2013, thương mại tại các nước mới nổi vẫn khá bền vững, trong khi các nước phát triển vật lộn với khó khăn trong việc phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong hai năm 2014-2015, thương mại thế giới đã phát triển theo chiều hướng ngược lại, khi giá cả hàng hóa giảm thấp và Trung Quốc tập trung vào việc tái cân bằng kinh tế vĩ mô. Trái với những năm sau khủng hoảng, thương mại tăng chậm xảy ra cả tại hầu khắp các nước trên thế giới, cả tại các nước phát triển và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, một số nước và khu vực vẫn duy trì được tốc độ phát triển thương mại với kết quả tương đối lạc quan.

Về tác động của các yếu tố mang tính cơ cấu, tự do hóa thương mại chậm chạp đã đóng góp vào sự suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây. Ngoài ra, những thay đổi nhanh chóng theo hướng chuyên môn hóa cũng khiến thương mại toàn cầu giảm tốc. Sự phân đoạn sản xuất trong các chuỗi giá trị toàn cầu dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động trao đổi linh kiện và bộ phận hàng hóa. Khi quá trình này chín muồi, trao đổi thương mại sẽ tăng chậm lại.

Từ giữa năm 2014, giá cả hàng hóa bắt đầu giảm sâu, nổi bật là chất đốt, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại tại các nước xuất khẩu hàng hóa. Sau khi chạm đáy, giá cả bắt đầu phục hồi dần từ đầu năm 2016, nhưng vẫn ở mức thấp cho đến cuối năm, làm giảm đáng kể kim ngạch xuất nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới.

Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế theo hướng giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư, nên hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng tăng thấp hơn so với thời kỳ trước năm 2015. Trong đó, xuất khẩu trong năm 2016 cũng tăng thấp hơn so với năm 2015, phản ánh nhu cầu yếu ớt trên toàn thế giới.

Trong năm 2016, bất ổn chính sách gia tăng có thể cản trở hoạt động thương mại thông qua hai kênh chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, qua đó kìm hãm các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong môi trường chính sách không chắc chắn, các doanh nghiệp có thể trì hoãn các quyết định đầu tư, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các ngân hàng nâng chi phí cho vay.

Thứ hai, bất ổn chính sách cũng bắt nguồn từ những bất ổn trong chính sách thương mại, và điều này tác động trực tiếp đến các hoạt động xuất nhập khẩu.   

Kết quả phân tích hồi quy khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa chính sách kinh tế và tăng trưởng thương mại. Cụ thể là, nếu mức độ thiếu chắc chắn của các quy định chính sách tăng 1%, trao đổi thương mại và dịch vụ sẽ giảm khoảng 0,02%. Riêng trong năm 2016, chính sách thiếu chắc chắn đã đóng góp tới 75% mức suy giảm thương mại toàn cầu.

Phân tích hồi quy cũng cho thấy, chủ nghĩa bảo hộ không giải thích được mô hình thương mại năm 2016, nhưng chính sách thương mại không chắc chắn đã làm gia tăng mức độ bất ổn chính sách. Các biện pháp hạn chế thương mại đã góp phần làm tăng lượng hàng tồn kho, gây tắc nghẽn các hoạt động thương mại. Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp về bất ổn chính sách thương mại trong năm 2016, nhưng tác hại của bất ổn về các chính sách kinh tế phần nào phản ánh những bất ổn trong các quan hệ thương mại quốc tế.

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia cũng chứng kiến sự suy giảm về tăng trưởng thương mại và năng suất lao động. Cùng với xu hướng tăng chậm dần của các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, năng suất lao động trong thời kỳ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ tăng trung bình 1%/năm, trong khi tăng trung bình 2%/năm trong giai đoạn 1994-2008.

Về sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu, một thước đo quan trọng là tỷ trọng giá trị tăng thêm ở nước ngoài trong tổng giá trị xuất khẩu. Các dữ liệu đầu vào và đầu ra cho thấy, tỷ trọng này không tăng, thậm chí giảm mạnh kể từ năm 2011. Trong thập kỷ trước, mức độ tham gia của chuỗi giá trị toàn cầu tiếp tục tăng, nhưng thấp hơn so với thập kỷ trước đó, tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu trong hàng xuất khẩu cũng chứng kiến những thay đổi tương tự.  

Nghiên cứu trước đây cho thấy, xu hướng phát triển chậm dần của các chuỗi giá trị toàn cầu cũng phần nào giải thích thực trạng phát triển thương mại hiện nay. Cụ thể là, thương mại toàn cầu tăng chậm là do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và những thay đổi mang tính dài hạn trong quan hệ giữa thương mại và GDP. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, độ co dãn của thương mại toàn cầu so GDP lớn hơn 2, nhưng giảm còn một nửa và tiếp tục giảm sâu trong những năm 2000. Tốc độ phát triển khác nhau của các chuỗi giá trị toàn cầu là một yếu tố quan trọng làm thay đổi tương quan dài hạn giữa thương mại toàn cầu và GDP, những thay đổi trong các GVC trong giai đoạn 1990-2014 đóng góp khoảng 50% mức suy giảm của độ co dãn của thương mại so với thu nhập trên toàn thế giới.

 Nguồn: Xuân Thanh/thoibaonganhang.vn