Dựa trên những phân tích của Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH Quốc gia, TS. Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và Dự báo KT - XH Việt Nam cho rằng, điều hành kinh tế vĩ mô năm 2017 của Việt Nam có 4 thách thức to lớn.

Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi song điều hành kinh tế vĩ mô 2017 sẽ gặp nhiều thách thức từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Ảnh minh họa: Internet.

Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể cho năm 2017 là tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, lạm phát bình quân khoảng 4%, tốc độ tăng kim ngạch XK khoảng 6-7%; nhập siêu khoảng 3,5% kim ngạch XK...

TS. Đặng Đức Anh cho rằng, mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi song điều hành kinh tế vĩ mô 2017 sẽ gặp nhiều thách thức từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế sẽ chịu một số yếu tố tác động bất lợi do tăng trưởng của khu vực nông nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết, ngành khai khoáng tiếp tục điều chỉnh với việc giảm khối lượng khai thác sẽ ảnh hưởng đến giá trị sản xuất ngành khai khoáng nói riêng và sản xuất công nghiệp nói chung, chưa kể tiêu dùng nội địa vẫn chưa có sự bứt phá so với năm 2016.

Theo kịch bản cơ sở (có nhiều khả năng xảy ra hơn), thì nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định và tiếp tục đà phát triển, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện. Vốn đầu tư khu vực Nhà nước tăng 7%, cơ cấu, quy mô, hiệu quả chưa có quá nhiều thay đổi, tuy nhiên tận dụng được lợi thế mang lại từ quá trình hội nhập, XK và đầu tư có những cải thiện. Khi đó, tăng trưởng kinh tế 2017 sẽ ở mức khoảng 6,44%, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12 năm trước khoảng 5%.

Thách thức thứ hai, theo TS. Đặng Đức Anh là về chính sách tỷ giá và lãi suất. Theo đó, nhiều đánh giá cho thấy, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và qua đó sẽ có tác động nhiều mặt đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng như: dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể tiếp tục được rút ra khỏi các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, qua đó tác động đến điều hành chính sách tỷ giá và tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất; đồng USD lên giá sẽ khiến VNĐ tăng giá so với các nước bạn hàng chủ chốt của Việt Nam như: EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo đó, sức cạnh tranh của hàng XK suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến XK và cán cân thương mại.

Thách thức thứ ba là về XNK. Theo TS. Đặng Đức Anh, XK năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá hàng hóa vẫn ở mức thấp, đồng thời kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp; chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay trở lại; kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình tái cân bằng. Kinh tế Trung Quốc suy giảm một mặt làm giảm nhu cầu NK từ Việt Nam, đồng thời cũng sẽ dẫn đến làm giảm sút tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu do Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và có mối quan hệ thương mại và đầu tư lớn với nhiều nước trên thế giới.

Theo TS. Đặng Đức Anh, thách thức thứ 4 là thác thức về kiểm soát lạm phát. Theo đó, lạm phát năm 2016 chịu tác động chủ yếu của việc thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá (y tế, giáo dục), trong khi các yếu tố tiền tệ không có tác động nhiều.

Năm 2017, xu hướng này có thể vẫn tiếp tục diễn ra, tuy nhiên, với việc chính sách tiền tệ thận trọng, giá cả hàng hóa thế giới không có sự tăng đột biến thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục và giá lương thực thực phẩm do tác động của thời tiết. TS. Đặng Đức Anh cho rằng, diễn biến giá các mặt hàng này sẽ đặt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trung bình tăng không quá 4% trước thách thức lớn.

Nguồn: baohaiquan.vn