Hiện lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%/năm. Đối với cho vay sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất ở mức 9,3-11%/năm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Trên thị trường 1, lãi suất tương đối ổn định so với tháng trước. Tính đến ngày 21/8/2017, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,68%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12-36 tháng ở mức 7,07%, tương đương với mức lãi suất huy động trong tháng 7.

Những tháng cuối năm 2017 vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thứ nhất, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Bloomberg Dollar Index đã giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 9,3%). Thứ hai, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%). Thứ ba, áp lực từ phía phát hành trái phiếu Chính phủ không còn nhiều (chỉ còn khoảng 20% kế hoạch). Thứ tư, yếu tố hỗ trợ từ phía nhà điều hành về xử lý nợ xấu sẽ đóng góp tích cực hơn trong việc giảm lãi suất.
Trong tháng 8, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn khá dồi dào, biểu hiện là: lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với cuối tháng 7/2017 từ 0,2 đến 0,3%. Trên thị trường ở, từ 1-22/8, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 4 nghìn 494 tỷ đồng và luỹ kế từ đầu năm đến nay hút ròng 32 nghìn 632 tỷ đồng.
NFSC cũng cho biết, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Tính đến ngày 22/8/2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.448, tăng 1,3% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm 0,18%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,56% so với đầu năm.
Việc chỉ số Bloomberg Dollar Index giảm khiến cho tỷ giá VND/USD giảm đi rất nhiều áp lực. Tính đến cuối tháng 5/2017, chỉ số REER (gốc 2011) ở mức 92,5%. Theo Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia có thể sẽ phải cần thêm lộ trình để điều chỉnh tỷ giá trung tâm nhằm hỗ trợ xuất khẩu và tránh các cú sốc trong tương lai khi đồng USD tăng giá trở lại.
Nguồn: Châu Huệ/Diễn đàn Doanh nghiệp