Các quốc gia thuộc khu vực phía đông lục địa đen đang phải gồng mình chạy đua nhằm đẩy lùi nạn châu chấu phá hoại mùa màng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Đây không phải lần đầu tiên loài côn trùng này “xâm chiếm” lãnh thổ của con người nhưng năm nay được coi là năm bị ảnh hưởng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Việc các quốc gia thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm soát loài côn trùng này không phải là vấn đề duy nhất. Kenya đang cạn kiệt nguồn thuốc trừ sâu, Ethiopia thì thiếu một lượng máy bay nhất định, trong khi đó, Somalia và Yemen, những quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc nội chiến, lại thiếu đi các biện pháp bảo đảm an toàn cho những người diệt châu chấu.
Các đàn châu chấu với số lượng lên đến hàng trăm triệu cá thể được ghi nhận xuất hiện tại khu vực này từ rất lâu trong quá khứ. Nhưng chính tình trạng biến đổi khí hậu gây ra nhiều xáo trộn thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài côn trùng phát triển với tốc độ như vũ bão.
Nước biển ấm lên sẽ tạo ra nhiều mưa hơn, làm cho quá trình sinh nở nhanh hơn, và các cơn lốc, có tác dụng phân tán các loại côn trùng thì ngày càng mạnh hơn và xảy ra với tần suất dày đặc hơn.
Tại Ethiopia, châu chấu đã xuất hiện tại vùng canh tác nông nghiệp màu mỡ thung lũng Rift và trước đó đã tràn qua vùng đồng cỏ tại các quốc gia Kenya và Somalia. Những đàn châu chấu có thể di chuyển với vận tốc lên đến 150 km/ngày và mật độ có thể lên tới từ 40 đến 80 triệu cá thể/km2.
Nếu như không được kiểm soát, số lượng châu chấu ở khu vực Đông Phi có thể bùng nổ lên hơn 400 lần trong tháng 6. Điều đó có thể khiến cho mùa màng bị tàn phá, tại một khu vực có đến 19 triệu người dân thường xuyên sống trong cảnh nghèo đói, theo cảnh báo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Uganda đã phải tìm đến sự giúp sức của lực lượng quân đội. Kenya cũng đã tập huấn hàng trăm sĩ quan trẻ nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất. Việc thiếu hụt thuốc trừ sâu đã khiến các lực lượng chức năng tại Somalia phải dùng đến những khẩu pháo phòng không để bắn vào những đàn châu chấu phủ kín trên bầu trời.
Mọi người đang chạy đua từng ngày vì mưa được cho rằng sẽ xuất hiện trong tháng 3. Một thế hệ ấu trùng mới đã tìm cách len lỏi lên trên mặt đặt, đúng với thời điểm người nông dân bắt đầu gieo hạt.
“Làn sóng côn trùng thứ 2 đang đến”, theo Cyril Ferrand, trưởng đại diện thường trú của FAO tại khu vực Đông Phi. “Khi mùa vụ bắt đầu, châu chấu sẽ ăn hết tất cả mọi thứ”.
Tác động lên ngành nông nghiệp, vốn tạo ra đến 1/3 giá trị kinh tế của khu vực Đông Phi vẫn chưa thể đong đếm được, nhưng FAO đang sử dụng những tấm ảnh chụp từ vệ tinh để đánh giá tình hình, ông cho biết.
Thiếu thuốc trừ sâu
Tại Kenya, đất nước được coi là giàu có và ổn định nhất trong khu vực, châu chấu tập trung ở khu vực phía bắc. Mùa màng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo Stanley Kipkoech, một quan chức cấp cao tại Bộ Nông nghiệp Kenya.
Tính đến tháng 2, Kenya không có đủ thuốc trừ sâu để sử dụng trong vòng hơn 1 tuần, ông cho biết. Người nông dân đang bất lực đứng nhìn mùa màng của họ bị phá hủy.
Tại Ethiopia, chính phủ chỉ có đủ tiền để thuê 4 chiếc máy bay phục vụ cho công tác phun thuốc diệt côn trùng, nhưng quốc gia này cần nhiều hơn gấp 2 lần số lượng hiện tại để có thể kiểm soát được tình hình, trước khi mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 3, theo Zebdewos Salato, vụ trưởng vụ bảo vệ cây trồng, Bộ Nông nghiệp Ethiopia.
“Chúng ta không còn nhiều thời gian”, ông cho biết.
Nhà máy sản xuất thuốc diệt côn trùng duy nhất tại Ethiopia đang hoạt động hết công suất.
Ethiopia cần đến 500.000 lít thuốc diệt côn trùng phục vụ cho vụ mùa vụ sắp tới nhưng chúng tôi mới chỉ sản xuất được tối đa khoảng 200.000 lít do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu những nguyên liệu hóa học đầu vào, theo Simeneh Altaye, giám đốc của nhà máy.
FAO đang hỗ trợ chính phủ thuê thêm máy bay, các phương tiện hỗ trợ và bình xịt, theo Fatouma Seid, đại diện cơ quan trên tại Ethiopia. Cơ quan này cũng đang nỗ lực mua thêm thuốc diệt côn trùng từ châu Âu.
Một ngày, đàn châu chấu có diện tích khoảng 1 km2 có thể “ngốn” lượng thức ăn tương đương với khẩu phần ăn của 35.000 người. Ảnh: Reuters.
Một ngày, đàn châu chấu có diện tích khoảng 1 km2 có thể “ngốn” lượng thức ăn tương đương với khẩu phần ăn của 35.000 người. Ảnh: Reuters.
Tiền và súng
Các chuyên gia diệt côn trùng không thể đi vào các khu vực kiểm soát bởi phiến quân nổi loạn Hồi giáo al Shabaab, theo Aidid Suleiman Hashi, Bộ trưởng Môi trường khu vực Nam Jubbaland.
Khi châu chấu tấn công những khu vực đó, người dân sẽ thổi kèn, đánh trống và rung chuông với mục đích xua đuổi chúng. Al Shabaab cho sử dụng các khẩu pháo phòng không và súng máy để bắn vào những đàn châu chấu, Hashi cho biết. Lực lượng vũ trang Jubbaland, không khá hơn, cũng áp dụng biện pháp tương tự.
Trong bối cảnh ấy, các nhà thầu rất ngần ngại việc lái máy bay trên bầu trời để xả thuốc diệt côn trùng, FAO cho biết.
Trong khi đó, châu chấu, loài có vòng đời chỉ vỏn vẹn 3 tháng, lại đang trong mùa sinh sản. Mỗi thế hệ châu chấu mới trung bình sẽ gấp 20 lần về số lượng.
Khi trứng nở, như những gì đang diễn ra tại phía bắc Kenya tại thời điểm hiện tại, những con châu chấu non háu ăn sẽ sinh sống dưới mặt đất trong khoảng 2 tuần và đó là thời điểm chúng dễ bị tổn thương nhất nếu như tiếp xúc với chất diệt côn trùng. Khi chúng mọc cánh, tác dụng của thuốc sẽ không còn cao như giai đoạn trước nữa.
Sau đó, chúng sẽ tạo thành từng đàn lớn trên không. Mật độ của chúng dày đến nỗi các máy bay đi qua khu vực này buộc phải chuyển hướng. Một ngày, 1 đàn châu chấu có diện tích khoảng 1 km2 có thể “ngốn” lượng thức ăn tương đương với khẩu phần ăn của 35.000 người.
FAO cho biết để có thể đẩy lùi được nạn dịch này cần số tiền lên tới 138 triệu USD. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, số tiền quyên góp mới chỉ dừng lại ở con số 52 triệu USD. Khi không thể kiểm soát tình hình, điều đó có nghĩa rằng sẽ có thêm những người dân lâm cào cảnh đói nghèo, khi họ vốn đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những cuộc xung đột và tình trạng biến đổi khí hậu.
Từ năm 2016, sau khi hạn hán xuất hiện tại Kenya, Somalia, Ethiopia, lũ lụt ngay lập tức xuất hiện, theo Ferrand. Tại Nam Sudan, hơn một nửa dân số của quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.
Biến đổi khí hậu
Những cơn mưa đã góp phần không nhỏ vào mùa vụ bội thu hồi năm ngoái sau một thời gian hạn hán kéo dài. Nhưng nó cũng mang đến một “nỗi đáng sợ”.
Đặc điểm thời tiết tuần hoàn tại Ấn Độ Dương, thêm vào đó là nhiệt độ nước biển tăng lên, đã góp phần tạo ra một giai đoạn mùa mưa kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 với độ ẩm lớn nhất trong vòng 5 thập kỷ trở lại đây, theo Nathanial Matthews đến từ Global Resilience Partnership, một cơ quan chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển.
Châu chấu sinh ra tại Yemen, thường ít được quan tâm do nội chiến. Chúng sau đó vượt qua Biển Đỏ đến vùng Sừng châu Phi và sau đó lan rộng ra các quốc gia như Sudan, Djibouti, Ethiopia, Somalia and Kenya. Giờ đây chúng còn được phát hiện tại các nhiều quốc gia khác như Uganda, Nam Sudan and Tanzania.
Mưa khiến cho những trứng ấu trùng “thức giấc”, sau đó những cơn lốc mạnh sẽ giúp đưa những côn trùng này đi xa. 8 cơn lốc xoáy đã hình thành tại khu vực Ấn Độ Dương trong năm 2019, con số nhiều nhất trong vòng 1 năm kể từ khi những số liệu được thống kê, theo Matthews.
châu chấu Đông Phi lục địa đen Kenya Somalia Yemen
 

Nguồn: Trọng Đại/Người đồng hành (Theo Reuters)