Theo đó, thị trường chứng khoán đạt mức cao gần nhất trong lịch sử nước Mỹ, cùng với đó là thâm hụt ngân sách khổng lồ, đồng USD suy yếu, bất ổn kinh tế gia tăng và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) còn rất ít “vũ khí” để chống chọi với những cuộc khủng hoảng kế tiếp.
1. Chứng khoán Mỹ tăng vọt sau 4 năm ông Donald Trump giữ chức Tổng thống
Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 68% kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Kể từ tháng 3/2020 đến nay, chỉ số này đã tăng 73% nhờ những gói kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ, cũng như kỳ vọng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ giúp cho thị trường Mỹ sớm mở cửa hoàn toàn trở lại.
Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm xuống mức rất thấp – sau khi Fed cắt giảm lãi suất về mức gần 0 – cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn của chứng khoán.

2. 100 ngày thăng hoa của Phố Wall
Nếu lịch sử cho thấy có những sự kiện giống như “điềm báo” thì thị trường chứng khoán Mỹ đang chào đón ông Biden một cách nồng nhiệt. Chỉ số S&P 500 đã tăng trong 100 ngày đầu tiên ở 8 trong số 10 nhiệm kỳ Tổng thống gần đây nhất.
Tuy nhiên, 100 ngày đầu tiên của ông Biden có thể sẽ khó khăn hơn so với những người tiền nhiệm, vì ông cần phải nhanh chóng triển khai kích thích kinh tế, bởi những phiếu bầu của các đảng viên đảng Dân chủ trong Quốc hội chưa đủ sức mạnh để quyết định việc này, có nghĩa là vẫn chưa thể chắc chắn về quy mô và thời điểm gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD.

3. Đồng USD giảm trong nhiệm kỳ của ông Trump
Ông Biden cũng được thừa hưởng đồng USD giảm 12% so với mức cao nhất của năm 2020. Đồng USD yếu đi có lợi cho xuất khẩu hàng hóa Mỹ, bởi giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tính bằng USD trên thị trường quóc tế, đồng thời làm tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Mỹ bằng cách làm cho chứng khoán và hàng hóa Mỹ trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư mua bằng những loại tiền tệ khác.
Sự điều chỉnh lợi suất trái phiếu Mỹ gần đây đã khiến đồng USD hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, ít có khả năng đồng tiền này sẽ hồi phục mạnh trong thời gian tới. Và dù USD có biến động như thế nào thì chắc chắn đồng tiền này cũng sẽ không biến động nhiều như thời kỳ ông Trump làm Tổng thống – người đã luôn chống lại việc USD mạnh.

4. Nợ công của Mỹ tăng

Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng gần 40% dưới thời ông Trump, lên gần 28 nghìn tỷ USD, do chính sách cắt giảm thuế vào năm 2017 và những khoản chi tiêu khổng lồ để chống lại những tác động tiêu cực của Covid-19.
Một số nhà đầu tư lo ngại bức tranh tài khóa với quá nhiều mảng xám của nước Mỹ có thể làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, từ đó làm giảm sức hấp dẫn đối với những tài sản khác của Mỹ.
Tháng 7/2020, Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng của nền kinh tế Mỹ từ 3A xuống ổn định rồi xuống tiếp tiêu cực. Nợ quốc gia của Mỹ có thể vẫn tiếp tục tăng dưới thời Tổng thống Biden, người mới đây đã kêu gọi các nhà lập pháp hãy “hành động mạnh mẽ” để nhanh chóng có được gói cứu trợ tiếp theo chống Covid-19, với lập luận rằng lợi ích của nó sẽ cao hơn n hiều so với việc gánh nặng nợ lớn thêm.

5. Bảng cân đối kế toán nới rộng

Ông Biden cũng “thừa hưởng” một bảng cân đối kế toán của Fed chênh lệch nhiều hơn bao giờ hết do việc tăng mạnh chi tiêu cho cuộc chiến chống đại dịch.
Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy, các nhà kinh tế dự báo bảng cân đối kế toán của Fed sẽ tăng lên 9,1 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021.

6. Chỉ số không chắc chắn gia tăng

Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính gây ra những lo lắng về triển vọng kinh tế trong năm cuối cùng của Tổng thống Trump. Những năm đầu nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bằng sự bùng phát mâu thuẫn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, làm “rung chuyển” giá các tài sản. Sự không chắc chắn xuất phát từ những vấn đề này sẽ còn tiếp tục đeo bám ông Biden, thể hiện ở Chỉ số không chắc chắn về chính sách kinh tế (Economic Policy Uncertainty Index) hiện ở mức cao hơn cả thời điểm sau vụ 11/9 hoặc sau cuộc Đại khủng hoảng tài chính.

Nguồn: VITIC/Reuters