TPP được ký kết tại Auckland, New Zealand, vào tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán. Hiệp định thương mại này là một trụ cột của chính sách "xoay trục" sang châu Á của Tổng thống Mỹ vừa mãn nhiệm Barack Obama.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Trump ngày 23/1 đã ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi hiệp định, trong một động thái thực hiện cam kết của ông khi tranh cử và cũng khiến Mỹ xa rời các đồng minh châu Á.

Australia, một thành viên TPP, cho rằng Trung Quốc và Indonesia có thể tham gia hiệp định và bù vào khoảng trống do Mỹ để lại.

Phát biểu với hãng truyền thông ABC ngày 24/1, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho biết: "Indonesia đã bày tỏ quan tâm đến hiệp định này và Trung Quốc cũng có thể tham gia nếu chúng ta có thể chỉnh sửa lại văn kiện."

Theo ông Ciobo, cấu trúc khởi đầu của TPP là để các nước khác có thể tham gia hiệp định. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết biết ông đã tiến hành hội đàm với một số thành viên khác của TPP bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 47 tại Davos (Thụy Sĩ) hồi tuần trước và các bộ trưởng các nước này sẽ nhóm họp trong vài tháng tới để thảo luận cách cứu vãn hiệp định.

Trước đó, Thủ tướng New Zealand Bill English cũng cho biết nước này đang nghiên cứu "Kế hoạch B" cho TPP và đề cập khả năng có sự tham gia của Trung Quốc.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này còn lại 11 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Nhật Bản là nước đầu tiên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn TPP trong nước. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi TPP là một đầu máy đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: Vietnamplus.vn