Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, Mỹ đã liên tục đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế và hỗ trợ người dân.
Ngày 11/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính hoãn thu thuế đối với các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.
Ngày 15/3, FED tuyên bố hạ 1% lãi suất cơ bản, khiến lãi suất của Mỹ chỉ từ 0-0,25%. Bên cạnh đó, FED cũng cam kết mua vào 700 tỷ USD trái phiếu. Đây là động thái được FED mô tả là để đối phó với việc virus corona gây hại cho cộng đồng và làm gián đoạn kinh tế ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chính phủ nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho tập đoàn Boeing, nhà chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, trong bối cảnh toàn bộ ngành hàng không của Mỹ nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung đang đối mặt với bất ổn về kinh tế do sự bùng phát của COVID-19, đồng thời khẳng định ông đang xem xét hỗ trợ cho các hãng sản xuất máy bay của Mỹ. Hôm 16/3, một loạt hãng hàng không của Mỹ đã kêu gọi chính quyền Washington hỗ trợ tài chính 50 tỷ USD nhằm chống chọi với các tác động của dịch COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Ngày 19/3, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin khẳng định kế hoạch của Nhà Trắng nhằm hỗ trợ mỗi người dân Mỹ 2 tờ séc trị giá 1.000 USD trong vòng 9 tuần. Bộ trưởng Mnuchin cho hay, ngay sau khi Quốc hội thông qua dự luật này, chính quyền Tổng thống Trump sẽ triển khai trong 3 tuần và sau đó là 6 tuần tiếp theo. Nếu Tổng thống vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp, người dân Mỹ sẽ được nhận thêm hỗ trợ 3.000 USD nữa. Số tiền hỗ trợ trực tiếp người dân chiếm một nửa tổng số tiền của gói hỗ trợ. Ngoài ra, gói hỗ trợ sẽ bao gồm 300 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì người lao động trong biên chế và đưa ra khoản vay hỗ trợ những người lao động sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc. 200 tỷ USD còn lại sẽ được dành cho việc đảm bảo cho vay đối với các hãng hàng không và các ngành công nghiệp quan trọng khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được đưa ra ngày 18/3. Thượng viện Mỹ thông qua với các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành đạo luật này.
Cũng trong ngày 19/3, Fed đã áp dụng hạn mức tín dụng chéo nhằm hỗ trợ cung cấp USD cho ngân hàng trung ương của một số nước. Việc áp dụng hạn mức tín dụng chéo nhằm đảm bảo các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng với đồng USD, điều đang trở nên khó khăn với nhiều ngân hàng trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Các nền kinh tế mới nổi đã phải hứng chịu những tác động tiêu cực do làn sóng thoái vốn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng sang nhiều nước trên thế giới. Fed cho biết động thái trên nhằm mục đích "giảm bớt căng thẳng trong các thị trường tài trợ vốn bằng USD trên toàn cầu", qua đó giảm thiểu những tác động của nguồn cung tín dụng hạn hẹp dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Fed sẽ cung cấp tới 60 tỷ USD cho mỗi ngân hàng trung ương của Australia, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Singapore và Thụy Điển, và 30 tỷ USD cho mỗi ngân hàng trung ương của Đan Mạch, Na Uy và New Zealand. Cơ chế này sẽ được duy trì trong ít nhất sáu tháng, cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài đổi đồng nội tệ sang USD.
Ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin thông báo Chính phủ Mỹ quyết định điều chỉnh ngày nộp thuế từ 15/4 sang ngày 15/7. Theo đó, mọi người dân và các doanh nghiệp đóng thuế sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị mà không bị tính lãi hoặc phạt tiền. Ông Mnuchin cũng khuyến khích những người được hưởng bồi hoàn thuế nhanh chóng nộp đơn xin hoàn thuế.
Ngày 26/3, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD nhằm trực tiếp giúp người lao động Mỹ và nhiều doanh nghiệp trong các ngành ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Đây là gói kích thích có quy mô lớn chưa từng có, cao hơn so với cuộc khủng hoảng 2008 và các cuộc khủng hoảng trước đó. Trong gói 2.000 tỷ USD lần này, một khoản tiền 250 tỷ USD để chuyển trực tiếp cho cá nhân và gia đình Mỹ (hỗ trợ trực tiếp 3.000 USD cho mỗi gia đình), 500 tỷ USD cho các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng; 350 tỷ USD cho vay các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD mở rộng chương trình trợ cấp thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp) và ít nhất 100 tỷ USD cho các bệnh viện và hệ thống y tế liên quan. Như vậy, một lượng tiền lớn sẽ được bơm trực tiếp cho các cá nhân, doanh nghiệp Mỹ, tăng trợ cấp thất nghiệp giữa bối cảnh phong tỏa lan rộng làm cuộc sống ở Mỹ đình trệ. 
Các nhà lập pháp Mỹ cũng đã thông qua hai đạo luật COVID-19 (một đạo luật trị giá 8,3 tỷ USD và một đạo luật hơn 100 tỷ USD) với trọng tâm là trợ giúp những người thu nhập thấp và trung bình, ngược với nhiều quốc gia (vốn tập trung vào việc cứu giúp các doanh nghiệp và khôi phục sản xuất trong các gói trợ giúp kinh tế). Đạo luật khẩn cấp đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tăng cường công tác phòng và ngăn ngừa dịch bệnh và giúp những người nghèo thu nhập thấp, những người không có bảo hiểm hoặc bảo hiểm không chi trả việc xét nghiệm Coronavirus thì sẽ được chính phủ chi trả toàn bộ.
Ngày 6/4, FED tuyên bố sẽ hỗ trợ chương trình cho vay trị giá 349 tỷ USD của chính phủ đối với doanh nghiệp nhỏ. Đây được xem là nỗ lực nổi bật nhất của FED trong việc xoa dịu tác động từ dịch COVID, khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo 6 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần đầu tháng 4, vượt 1 triệu đơn so với ước tính 5 triệu đơn của các nhà phân tích. Trong 2 tuần trước đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cũng lần lượt được báo cáo là 3,3 triệu đơn và 6,6 triệu đơn, qua đó thổi bùng nguy cơ thất nghiệp tăng đột biến do đại dịch Covid-19.
FED sẽ mua các khoản vay mà các ngân hàng cấp cho các doanh nghiệp nhỏ như một phần của chương trình mà các ngân hàng và Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ đã thực hiện và nằm trong gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỷ USD. Các khoản vay này có thể được miễn nếu được chi cho việc trả lương để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục trả lượng cho nhân viên hay tuyển dụng lại những lao động mà họ cho nghỉ gần đây. Với việc mua lại các khoản vay, Fed sẽ tạo động lực để các ngân hàng tăng cường cho vay nhờ việc giúp giải phóng thêm tiền mặt, bởi khi cho vay các ngân hàng phải dành ra một khoản dự phòng trường hợp vỡ nợ.
Ngày 9/4, FED công bố hàng loạt động thái tiếp theo nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ, qua đó bơm thêm 2,3 nghìn tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chính quyền bang và cả hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, mục tiêu nhằm đảm bảo kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất có thể” sau dịch Covid-19
Các biện pháp mới nhất mà FED tung ra bao gồm chương trình cho vay ưu đãi và các gói can thiệp bao gồm mua lại trái phiếu trong nỗ lực cứu vãn nền kinh tế đang tiến gần đến bờ vực suy thoái. Theo đó, các doanh nghiệp có quy mô dưới 10.000 nhân viên và doanh thu dưới 2,5 tỷ USD trong năm 2019 sẽ là đối tượng nhận được khoản vay hỗ trợ của FED. Kỳ hạn thanh toán gốc và lãi sẽ được hoãn sau 1 năm để hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung Ương cũng trực tiếp mua lại trái phiếu của chính quyền các bang, hạt, thành phố đông dân chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của dịch Covid-19 nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Nguồn: VITIC tổng hợp