Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả, bền vững hơn là yếu tố thiết yếu để nâng cao tăng trưởng GDP, giúp cho Việt Nam trở thành nước có vị thế thu nhập trung bình cao.
GDP được dự báo sẽ tăng lên 6,5%
Tại buổi họp báo về Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam vừa diễn ra sáng nay (10/4), Ngân hàng Châu Á (ADB) cho biết, tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018 . Với tăng trưởng mạnh trong ngành công nghiệp và dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì, sản lượng nông nghiệp và khai khoáng tăng nhẹ cũng đóng góp thêm vào tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ADB, khu vực sản xuất công nghiệp được thúc đẩy nhờ tiếp tục triển khai các cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mới, với mức giải ngân FDI đạt kỷ lục vào năm ngoái. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh lên, và các cơ hội thương mại mới được mở ra với Liên minh Châu Âu thông qua hiệp định thương mại tự do mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Về phía cầu, tiêu dùng tư nhân được dự báo sẽ tăng mạnh. Lòng tin của người tiêu dùng vẫn ở mức cao, thể hiện qua kết quả khảo sát hồi tháng 11/2016 cho thấy 43% doanh nghiệp dự báo doanh số bán lẻ sẽ được cải thiện trong năm 2017 và 39% dự báo điều kiện kinh doanh sẽ duy trì ổn định.
ADB cho rằng, triển vọng đầu tư tư nhân cũng tỏ ra sáng sủa. Cải cách thực tiễn kinh doanh đã giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong xếp hạng Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, từ vị trí 91 trên 189 quốc gia được khảo sát trong năm 2016 lên 82 trên 190 nước trong khảo sát năm 2017.
“Các cuộc cải cách đang diễn ra - cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhiều hơn cổ phần trong nước tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, cùng với việc cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng - sẽ là động lực khuyến khích đầu tư tư nhân” Báo cáo của ADB chỉ rõ..
Theo đơn vị này, tăng trưởng cao và lạm phát tăng sẽ làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng với tốc độ 10%/năm trong vòng 2 năm tới, khi các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đi vào sản xuất và các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cũng dự báo, kim ngạch nhập khẩu Việt Nam sẽ còn tăng nhanh hơn, vì các luồng vốn đầu tư FDI lớn làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá vốn, đầu vào cho sản xuất.
Cải cách nông nghiệp là then chốt để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng
Đưa ra những thách thức trong việc xây dựng nền công nghiệp bền vững, ADB cho rằng, khi Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại sau đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng một thập kỷ, thì vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế và khả năng đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao, đã nhận được sự quan tâm cao hơn về chính sách.
Theo ADB, chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả, bền vững hơn là yếu tố thiết yếu để nâng cao tăng trưởng GDP, giúp cho Việt Nam trở thành nước có vị thế thu nhập trung bình cao.
Cũng theo ADB, để đạt được sự chuyển đổi này, đòi hỏi phải giải quyết được bốn thách thức chính sách quan trọng.
Thách thức thứ nhất, cấu trúc thị trường và khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhà nước đang thống lĩnh nguồn cung yếu tố đầu vào, chế biến sau thu hoạch và tiếp thị sản phẩm. Doanh nghiệp nhà nước cũng độc quyền bán buôn, đồng nghĩa với việc một phần lớn giá cả sản phẩm đầu ra thuộc về các chủ thể trung gian kém hiệu quả. Điều này làm giảm thu nhập của người nông dân và giảm động cơ đầu tư.
Thứ hai, cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng tích hợp để duy trì tăng trưởng mạnh trong ngành nông nghiệp. Cần tăng đầu tư công để vừa duy trì cơ sở hạ tầng nông thôn hiện có, vừa xây dựng hạ tầng mới trong các lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, xử lý và bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, người nông dân cần áp dụng các công nghệ và phương pháp cải tiến mang lại năng suất cao hơn và thân thiện môi trường hơn trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các viện nghiên cứu nông nghiệp và nhà nông.
Thứ ba, là phải quản lý tài nguyên bền vững hơn, trong đó phải có các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai thành các khu vực canh tác có diện tích lớn hơn.
Cuối cùng, cần cấp thiết giải quyết những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, và nông nghiệp càng đứng trước nguy cơ lớn hơn, vì nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện khí hậu và sinh thái nông nghiệp ổn định.
"Để chuẩn bị đầy đủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ, đảm bảo sao cho các cân nhắc về biến đổi khí hậu được lồng ghép đầy đủ vào công tác hoạch định chính sách, ưu tiên cho các dự án đầu tư xanh, thông minh như cải thiện quy hoạch tài nguyên nước và sử dụng nước hiệu quả hơn", Báo cáo ADB nêu.
Nguồn: VnMedia.vn