Đến 8h sáng ngày 11/2/2020, tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới là 43.102 trường hợp, trong đó 1.018 người tử vong.
Chính phủ Anh đã tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) là “mối đe dọa cấp bách và nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng” và thông báo những thẩm quyền mới cho phép cơ quan y tế tại xứ England (thuộc Vương quốc Anh) tiến hành cách ly bắt buộc đối với những người có nguy cơ làm lây truyền virus. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh số người được chẩn đoán nhiễm 2019-nCoV tại Anh đã tăng gấp đôi lên 8 người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/2 đã cảnh báo về các trường hợp lây nhiễm chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) tại Pháp và Anh, những người chưa từng đặt chân đến Trung Quốc, là rất đáng "lưu tâm".
Tại Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm tới sáng 11/2/2020 là 42.638, trong đó 1.016 ca tử vong. Riêng tỉnh Hồ Bắc có thêm 2.097 người nhiễm mới, 103 ca tử vong trong ngày 10/2.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tỷ lệ bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV) khỏi bệnh hoàn toàn đã tăng từ mức 1,3% của ngày 27/1 lên 8,2%. Cụ thể, tỷ lệ người khỏi bệnh ở tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán - vùng tâm dịch - lần lượt là 6,1% và 6,2%. Những con số này trong ngày 27/1 lần lượt là 1,7% và 2,6%.
Tại Việt Nam, sáng 11/2, Bộ Y tế xác nhận bệnh nhân thứ 15 nhiễm virus corona là một bé gái 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc. Như vậy, tại Vĩnh Phúc đã có 10 ca bị nhiễm virus này.
Trong số những bệnh nhân nhiễm virus ở Việt Nam, có 6 bệnh nhân đã được ra viện, 9 bệnh nhân còn lại, gồm 2 bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh tình trạng sức khoẻ ổn định; các bệnh nhân được điều trị tại Vĩnh Phúc trong tầm kiểm soát.
Bộ Công Thương tích cực trong công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và bên Trung Quốc để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc Trung Quốc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.
Theo hông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc), chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2 năm 2020. Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam, hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.
Quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam là việc đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự tính và liên tục cảnh báo trong những ngày qua.
Quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam chỉ ảnh hưởng tới hàng hóa đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Các lô nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, kể cả thanh long, vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường dù tiến độ có phần chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới (thông tin chi tiết).
Xử phạt 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế trong ngày 10/2
Tính riêng ngày 10/02, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 65 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế vi phạm, trong đó xử lý 14 cơ sở, xử phạt 4.500.000 đồng, tạm giữ 123.415 chiếc khẩu trang, 1.756 chai gel nước rửa tay và 150kg nước rửa tay khô. Cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 10/2/2020, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.659 nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế vi phạm (thông tin chi tiết).
Các doanh nghiệp dệt may, da giày nỗ lực sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bệnh viêm phổi cấp
Ngày 10/02/2020, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Hiệp Hội da giày, Túi xách Việt Nam đã đến làm việc với các doanh nghiệp dệt may, da giày để tìm hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh, trao đổi và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây ra. Hưởng ứng tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các doanh nghiệp quyết tâm vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh, vừa nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh để duy trì sản lượng, năng suất, góp phần chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt (thông tin chi tiết).

Nguồn: VITIC tổng hợp