Nhận định trên được Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính các nước thuộc Eurozone (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem đưa ra trong bối cảnh Eurozone và IMF vẫn đang bất đồng về mức viện trợ cần thiết dành cho Hy Lạp trong gói cứu trợ hiện tại.
 Trao đổi với báo giới ngày 27/4, Chủ tịch Dijsselbloem, cũng là Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, cho rằng Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - cơ quan kiểm soát các khoản vay cứu trợ Hy Lạp có trụ sở ở Luxembourg - cần đảm đương các trách nhiệm của IMF và cho biết một bản báo cáo đã được chuẩn bị nhằm vạch ra một phương thức để thực hiện điều này.
 Ông nêu rõ: "Chúng ta chỉ có thể củng cố thành công liên minh tiền tệ nếu trách nhiệm và sự đoàn kết gắn kết với nhau một cách chặt chẽ....Một phương thức để đạt được điều đó là tiếp tục làm việc để biến ESM thành một quỹ tiền tệ của châu Âu."
Ông cũng cho rằng ESM cần đi đầu trong việc lên kế hoạch, đàm phán và giám sát các chương trình cứu trợ trong tương lai.
Tuyên bố trên là một sư thay đổi lớn trong quan điểm của Chủ tịch Dijsselbloem, vốn trước đây luôn cho rằng việc thành lập một "IMF của châu Âu" là một kế hoạch dài hạn.
 IMF đóng vai trò quan trọng trong các chương trình cứu trợ của Eurozone kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu xảy ra hồi năm 2010 với điểm bùng phát đầu tiên là Hy Lạp.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp, IMF và Eurozone liên quan đến một khoản vay mới cho Hy Lạp đã kéo dài suốt nhiều tháng qua, trong khi Athens cần một khoản giải ngân mới để trả khoản nợ đáo hạn vào tháng 7 tới.
 Bất chấp sức ép từ Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), IMF cho đến nay vẫn từ chối tham gia chương trình cho vay 86 tỷ euro mà Eurozone thỏa thuận với Hy Lạp giữa năm 2015, chương trình thứ 3 kể từ năm 2010, chủ yếu liên quan đến khả năng trả nợ của Hy Lạp.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde hồi tuần trước cho biết quỹ này không thể tham gia bất kỳ chương trình cho vay nào nếu mức nợ của Hy Lạp được đánh giá là bền vững.
 Hy Lạp hiện đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay.
 Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
 Từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế.
 Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, tương đương 160% Tổng sản phẩm quốc nội, và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.

Nguồn: Vietnamplus.vn