Australia và New Zealand đều bày tỏ hy vọng sẽ cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các nước châu Á khác tham gia vào thỏa thuận tự do thương mại này. Động thái này diễn ra sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 ký sắc lệnh chính thức rút Mỹ khỏi TPP.
Theo tin từ Reuters, Thủ tướng Malcolm Turbull nói ông đã có các cuộc thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealaand Bill English, và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long vào đêm qua về khả năng tiếp tục đưa TPP tiến về phía trước mà không cần có Mỹ.
TPP, thỏa thuận mà Mỹ đã ký nhưng chưa được Quốc hội nước này thông qua, là một trụ cột trong chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama về xoay trục chính sách đối ngoại của Mỹ về châu Á. Đối với ông Abe, TPP là động lực cải cách kinh tế cũng như một đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc - quốc gia không phải là một thành viên của thỏa thuận.
Việc ông Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP là một sự hiện thực hóa lời hứa mà ông đưa ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trump và những người phản đối TPP khác cho rằng thỏa thuận này khiến người lao động Mỹ mất việc làm và ngành sản xuất công nghiệp của Mỹ suy yếu.
Trong khi đó, những người ủng hộ TPP nói Mỹ ra khỏi TPP đồng nghĩa với để lại một khoảng trống quyền lực ở châu Á cho Trung Quốc lấp đầy và gây tổn hại cho uy tín cũng như quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh trong khu vực.
Từ trước khi ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, khi TPP mới chỉ gặp trở ngại ở Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đã đề xuất những thỏa thuận nhằm thế chân TPP, bao gồm Khu vực Mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thủ tướng English của New Zealand nói Mỹ đang nhường lại ảnh hưởng cho Trung Quốc và trọng tâm của khu vực có thể dịch chuyển sang các thỏa thuận thương mại thay thế. “Chúng tôi đã có thỏa thuận RCEP với các nước Đông Nam Á. Đến nay, tiến trình của thỏa thuận này khá chậm, nhưng ý chí chính trị cho thỏa thuận có thể tăng lên nếu TPP bị dừng lại”, ông English nói.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed nói các nhà đàm phán từ các nước còn lại trong TPP sẽ “thường xuyên liên lạc” để quyết định đâu là giải pháp tốt nhất.
“Với lập trường hiện nay của chính quyền mới của Mỹ đối với TPP, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đồng nghiệp Mỹ về tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế song phương, xét đến tầm quan trọng của Mỹ với tư cách đối tác thương mại lớn thứ ba và một nguồn vốn đầu tư lớn của chúng tôi”, ông Mustapa nói trong một tuyên bố.
Về khả năng TPP được điều chỉnh để Trung Quốc có thể gia nhập, Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Steven Ciobo nói: “Cấu trúc ban đầu của thỏa thuận cho phép các quốc gia khác có thể tham gia. Tôi biết là Indonesia đã bày tỏ sự quan tâm, và cũng sẽ có chỗ cho Trung Quốc nếu chúng ta có thể điều chỉnh thỏa thuận”.
Nhật Bản vốn là quốc gia dẫn đầu những nỗ lực thúc đẩy TPP, thỏa thuận gồm 12 thành viên gồm Mỹ, Nhật, New Zealand, Australia, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Canada, Chile, Mexico, Singapore, và Peru.
“Chúng tôi không hề thay đổi quan điểm rằng tự do thương mại là nguồn động lực tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara nói với các nhà báo.
Khi được hỏi liệu Nhật Bản có để ngỏ khả năng đàm phán một thỏa thuận tự do thương mại song phương với Mỹ, ông Ishihara nói Tokyo còn chưa biết chắc Washington có sẵn sàng mở một cuộc đàm phán như vậy không.
Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand Todd McClay thì cho biết đã trao đổi với người đồng cấp một số nước thành viên TPP tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ vào tuần trước và hy vọng các quan chức này sẽ nhóm họp trong một vài tháng tới.

“Thỏa thuận này vẫn có giá trị như một hiệp định tự do mậu dịch với các nước tham gia”, ông McClay nói.

Nguồn: An Huy/vneconomy.vn