Trong đó, nhóm giao thông có chỉ số tăng cao nhất. Nguyên nhân khiến nhóm này tăng là do giá xăng dầu bình quân tăng (mặc dù trong tháng xăng dầu đã giảm nhưng mức giảm không đáng kể so với mức tăng nên tính bình quân giá xăng dầu vẫn tăng).

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng cao thứ 2 do miền Bắc có những đợt nắng nóng kéo dài nên sản lượng tiêu thụ điện tăng cao, thêm vào đó số lượng nhà cấp 4 cho thuê đang giảm trong khi nhu cầu tăng cao nên giá cho thuê nhà tăng nhẹ.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhẹ so với tháng trước do giá lương thực thực phẩm đều có chỉ số giảm. Trong tháng, chỉ số giá vàng tăng trở lại (tăng 0,69% so tháng trước) và chỉ số giá USD cũng tăng 0,78%.

Trước đó, theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7/2016 có thể sẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng 6.

Theo phân tích của Cục Quản lý giá, một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá tháng 7/2016 như điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp có thể ảnh hưởng tới biến động của giá lương thực, thực phẩm (hai nhóm chiếm quyền số lớn nhất trong cơ cấu nhóm hàng tính CPI)… là nguyên nhân chủ yếu có thể gây áp lực tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bên cạnh đó, giá một số nguyên liệu như trứng, đường có thể tăng do các doanh nghiệp tăng thu mua để chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Rằm Trung thu.

Ngoài ra, tháng 7 này cũng là tháng bắt đầu mùa mưa bão nên có thể tác động đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu, từ đó có thể gây tăng giá hàng hóa cục bộ tại một số địa phương.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng giảm giá nhẹ trong tháng tới như: mặt hàng thóc, gạo do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch lúa Hè Thu trong khi nhu cầu gạo cho xuất khẩu ở mức thấp; mặt hàng phân bón, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao....

Bên cạnh đó, việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng tới.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn