Các quốc gia châu Á hy vọng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy sản xuất trong dài hạn, trong bối cảnh hàng loạt nhãn hàng, từ tất chân, giày thể thao đến máy giặt và đồng hồ, đang tìm cách né tránh những tác động của cuộc chiến này bằng cách lựa chọn những địa điểm sản xuất có chi phí thấp hơn.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, vốn được coi là "công xưởng của thế giới", sang Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển này đã tăng tốc khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới bước vào cuộc chiến thuế quan với nhiều đòn đáp trả lẫn nhau.
Trong "loạt đạn" mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 vừa qua đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, buộc Bắc Kinh phải đáp trả bằng việc áp thuế cao hơn đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD của Mỹ.
Ông Trent Davies, phụ trách kinh doanh quốc tế tại hãng tư vấn Dezan Shira & Associates Việt Nam, nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã thực sự trở thành một "cú hích" buộc nhiều doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất.
Việc ngày càng nhiều công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch tăng sản lượng đã tiếp thêm sức mạnh cho các trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á và xa hơn.
Thương hiệu đồng hồ Casio của Nhật Bản cho biết sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất về nước và sang Thái Lan để tránh các mức áp thuế cao hơn của Mỹ, trong khi nhà sản xuất máy in Ricoh của Nhật Bản cũng có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan.
Thương hiệu giày dép Steve Madden của Mỹ công bố kế hoạch thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Campuchia. Trong khi đó, hàng loạt nhãn hàng như giày chạy bộ Brooks Running, máy giặt Haier, tất Jasan - vốn cung cấp sản phẩm cho các hãng thời trang thể thao nổi tiếng như Adidas, Puma, New Balance và Fila, đều đang nhắm tới Việt Nam.
Theo kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc công bố trong tháng này, hơn 40% số công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang xem xét hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, chủ yếu là các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế về chi phí nhân công rẻ, người lao động ở các thị trường Đông Nam Á bị đánh giá là có ít kinh nghiệm hơn so với người lao động Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, chi phí nhân công ở Trung Quốc cao hơn gấp 3 lần, nhưng hiệu quả làm việc cũng cao hơn gấp 3.
Ngoài ra, số lao động trong lĩnh vực sản xuất ở Đông Nam Á cũng ít hơn so với Trung Quốc. Số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết Việt Nam có khoảng 10 triệu lao động sản xuất, Indonesia có 17,5 triệu lao động và Campuchia 1,4 triệu lao động, so với 166 triệu lao động trong lĩnh vực này ở Trung Quốc.
Khó khăn trong chuỗi cung ứng, những thách thức về cơ sở hạ tầng và tình trạng thiếu đất ở những thị trường kém phát triển hơn cũng là những vấn đề mà các công ty phải đối mặt.

Nguồn: Bnews, TTXVN