Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế trực tuyến do The Atlantic tổ chức mới đây, bà Yellen nói: “Có thể lãi suất sẽ phải tăng lên ở một mức độ nào đó để đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta không trở nên quá nóng”.
Ngay sau đó, USD đảo chiều tăng giá trong phiên 4/5 trên thị trường quốc tế, tiếp tục tăng trong phiên 5/5.
Theo đó, chiều 5/5 theo giờ Việt Nam, USD trên thị trường quốc tế tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần do nhà đầu tư nhận định có khả năng Mỹ sắp nâng lãi suất và xuất hiện tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ do nhà đầu tư chuyển hướng từ tài sản an toàn (cổ phiếu) sang tài sản an toàn hơn (tiền tệ). Cụ thể, chỉ số dollar index - so đồng USD với rổ các đồng tiền chủ chốt, cao nhất kể từ ngày 19/4.
Những phát ngôn trên của bà Yellen cũng được xem là một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm. Hiệu ứng rõ ràng là ở các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giảm mạnh chỉ sau một đêm, kéo chỉ số Nasdaq phiên vừa qua giảm hơn 2%, S&P500 giảm hơn 1% và chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 0,3%.
Cũng lúc đóng cửa đêm qua, tiền điện tử ethereum (ETH) đạt mức cao kỷ lục mới là 3.530 USD trong bối cảnh các tổ chức ngày càng quan tâm tới đồng tiền này. Dogecoin cũng lên cao nhất mọi thời đại là 0,5922 USD.
Tuy nhiên, bà Yellen cũng đánh giá rằng: “Mức chi tiêu thêm là tương đối nhỏ so với quy mô của nền kinh tế, nhưng có thể dẫn tới lãi suất phải tăng một chút”, bà Yellen nói, và thêm rằng: “Dù sao, đây là những khoản đầu tư mà nền kinh tế của chúng ta cần để trở nên cạnh tranh và hiệu quả. Tôi nghĩ nền kinh tế Mỹ nhờ đó sẽ tăng trưởng nhanh hơn”, bà Yellen nhận xét về những gói kích cầu mà Chính phủ Mỹ đã triển khai.
Mặc dù vậy, việc một lãnh đạo tài chính của Mỹ đề cập đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ, dù là khả năng nhỏ nhất, cũng có tác động rất lớn đến các thị trường vốn đã trở nên quá phụ thuộc vào sự kích thích tiền tệ.
"Tất cả những gì bà đã nói, các bình luận của bà đều nổi bật ý rằng hiện đang có sự tranh cãi n gay trong nội bộ các quan chức Mỹ về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có nên hạn chế kích thích tiền tệ hay không", Giám đốc nghiên cứu tiền tệ G10 của Credit Agricole, Valentin Marinov cho biết.
Cho đến nay, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vẫn luôn khẳng định rằng thị trường lao động vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết để có thể bắt đầu bàn tới việc giảm quy mô kích thích kinh tế. Điều này sẽ được kiểm chứng khi báo cáo về thị trường việc làm được công bố vào cuối tuần này. Các nhà phân tích dự báo số việc làm mới sẽ tăng 978.000 người trong tháng 4.
Sự hồi phục mạnh của đồng USD đã gây áp lực lên đồng EUR, khiến đồng euro một lần nữa giảm xuống dưới ngưỡng 1,2 USD trong chiều nay và phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 1,1995 USD/1,2 USD. Với mức giảm 0,2% trong ngày hôm nay, EUR đã xuống mức thấp nhất hơn 2 tuần so với USD.
Tuy nhiên, việc Châu Âu mở cửa trở lại với tốc độ tiêm chủng nhanh dần lên có thể hạn chế đồng USD tăng giá thêm nữa so với EUR.
Thị trường tiền tệ Châu Á giao dịch thưa thớt vì Nhật Bản và Trung Quốc vẫn trong kỳ nghỉ. Tuy nhiên đô la New Zealand đã tăng vọt lên 0,7170 NZD/USD khi những dữ liệu kinh tế của quốc gia này vừa công bố mạnh hơn dự kiến của các nhà phân tích.
USD hôm nay cũng tăng so với yen Nhật khi một lần nữa phá ngưỡng kháng cự 109,61 JPY để lên 109,41 JPY và dự báo sẽ còn tăng nữa trong vài ngày tới.
Bảng Anh hôm nay vững ở mức 1,3895 USD trước thềm cuộc họp của Ngân hàng trung ương Anh, theo đó một số người dự báo cuộc họp này sẽ đưa ra quyết định cắt giảm chương trình mua trái phiếu do kinh tế đang dần hồi phục.
 

Nguồn: VITIC/Reuters