Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố về hoạt động xuất khẩu của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy sự lấn át của giới DN này trên lĩnh vực xuất khẩu ngày càng rõ hơn.

 Biểu đồ tỉ trọng trị giá kim ngạch xuất khẩu hết tháng 5/2017 giữa DN FDI và DN trong nước.

Theo đó, hết tháng 5/2017, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của DN FDI đạt 56,656 tỷ USD, chiếm gần 71% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Đặc biệt, trong khi mức tăng chung của xuất khẩu cả nước đạt 18,4% thì tốc độ tăng của DN FDI là 20%.
Đáng chú ý, DN FDI có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta và gần như chiếm tỉ trọng tuyệt đối ở những ngành hàng công nghệ cao như điện thoại, máy tính…
Cụ thể, ở mặt hàng điện thoại và linh kiện, hết tháng 5, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 16,28 tỷ USD, thì giới DN FDI đóng góp tới 16,22 tỷ USD, tương đương tỉ trọng 99,6%.
Một nhóm hàng quan trọng khác là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giới DN FDI cũng chiếm tỉ trọng đến 97% trong tổng trị giá kim ngạch 9,383 tỷ USD của ngành hàng này.
Bên cạnh đó, trong 18 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, tính hết tháng 5, các DN nước ngoài góp mặt ở 11 nhóm hàng. Các nhóm hàng mà DN FDI còn “bỏ ngỏ” chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả…
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, mới đây, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đưa ra nhận định: Sự yếu kém của ngành cơ khí chế tạo trong nước khiến nước ta đang phải bỏ ra hàng chục tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu máy móc thiết bị.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm trên và nhấn mạnh thêm, hiện nay hoạt động xuất khẩu là ví dụ điển hình thể hiện sự phụ thuộc của lớn của nền kinh tế vào các DN FDI. Chuyên gia này cho rằng chúng ta cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế sự phụ thuộc vào DN FDI, một trong những yếu tố cần được nhà nước quan tâm là phát triển là giới DN tư nhân, DN nhỏ và vừa.
Nguồn: baohaiquan.vn