Không những vậy, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố 31/10/2017, xếp hạng 2018 về môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam là 68/190 quốc gia , tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5). Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017, đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), Việt Nam đã tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc).

Đã có sự chuyển biến tích cực khi mà nền kinh tế không còn quá phụ thuộc vào tài nguyên, thay vào đó, động lực của tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ, nhất là du dịch; nông nghiệp… Tuy nhiên, tốc độ và chất lượng tăng trưởng vẫn đang là một thách thức khi mà những trở lực hiện hữu vẫn đang “níu chân” những nỗ lực cải cách.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, mà trước hết là chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Năm 2017, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của nền kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Theo nhiều thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các điểm nghẽn này bao gồm các vấn đề như cấp phép kinh doanh, chính sách thuế, rủi ro vĩ mô, các quy định về thực thi hợp đồng, chính sách đất đai…

Trong đó, các điểm nghẽn tăng trưởng trước mắt nằm ở: Bộ máy hành chính kém hiệu quả và nạn tham nhũng; đất đai và bảo vệ quyền tài sản; chi phí hành chính cao và tiếp cận tài chính rất khó khăn.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước ngay từ đầu năm, không thể để tiếp tục chậm trễ như 2 năm gần đây. Tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước. Đồng thời, cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nguồn: Enternews.vn