Nhìn chung, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế trong nước tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2016 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 29/9.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2016 ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,04%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015.

Trong các khu vực kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%, đóng góp 2,52 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%, đóng góp 2,52 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,66%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất, tỉ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động tăng cao; thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá, dư nợ tín dụng tăng trên 10%; thanh khoản Việt Nam đồng của toàn hệ thống vẫn tiếp tục bảo đảm, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ về cơ bản được ổn định và thông suốt.

Nhìn chung, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế trong nước tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng nhận định, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, xuất nhập khẩu chưa có nhiều cải thiện.

Do đó, về giải pháp trong thời gian sắp tới, theo ông Lâm, để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát. Phải điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.

Cần tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích nghi với biến đổi khí hậu.

Các bộ, ngành và địa phương cần có các giải pháp trung và dài hạn xử lý vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên vì đây không chỉ là hiện tượng của năm 2016. Riêng ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi khí hậu, cần nghiên cứu, quy hoạch lại cơ cấu sản xuất các ngành, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn…

Một giải pháp quan trọng là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch.

Đây là những giải pháp lãnh đạo Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhưng cần sự vào cuộc tốt hơn của các bộ, ngành, địa phương. “Nếu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hy vọng GDP quý IV sẽ có tăng trưởng bứt phá so với các quý trước”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định.

Nguồn: chinhphu.vn