Trong thông báo, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xác nhận sẽ ngừng hoàn toàn việc mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp vào cuối tháng này sau khi giảm dần hoạt động thu mua tài sản trong những tháng gần đây. 
Việc ECB thu hồi chương trình mua trái phiếu được coi là một bước đi quan trọng trên lộ trình hướng tới bình thường hóa chính sách sau nhiều năm thực thi chương trình kích cầu thời khủng hoảng. 
Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm khi nền kinh tế Eurozone đang tăng trưởng ì ạch và ngày càng đối mặt với nhiều mối đe dọa. 
Chương trình mua trái phiếu, còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng, được thiết kế nhằm kích thích tăng trưởng và kiềm chế lạm phát ở mức dưới 2%. Kể từ năm 2015 đến nay, ECB đã "bơm" hơn 2.600 tỷ euro cho chương trình này. 
Cùng ngày, tại cuộc họp cuối cùng trong năm 2018, Hội đồng điều hành của ECB cũng nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và cho biết sẽ giữ nguyên ở mức này "ít nhất tới mùa Hè 2019". 
Mọi sự chú ý hiện đổ dồn vào cuộc họp báo của Chủ tịch ECB Mario Draghi trong ngày 13/12. Tại cuộc họp này, ông Draghi dự kiến sẽ trấn an các thị trường rằng nền kinh tế Eurozone đang tăng trưởng ở mức đủ để chống đỡ hàng loạt rủi ro xuất phát từ việc Italy điều chỉnh quy định về ngân sách, làn sóng biểu tình "áo vàng" ở Pháp, cũng như tiến trình khó khăn đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 
Theo giới quan sát, nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Eurozone bằng cách duy trì lãi suất cơ bản ở mức cực thấp và tái đầu tư tiền mặt từ trái phiếu đáo hạn trong một thời gian dài. 
Dự kiến, tại cuộc họp báo, ECB cũng sẽ công bố dự báo tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát mới nhất của Eurozone cho năm 2021.
Nguồn: Thùy An/BNews,TTXVN