Bộ trưởng thương mại các nước thuộc EU đã nhất trí với phương pháp tiếp cận mới trong việc ký kết và phê chuẩn các FTAs. Theo đó, một hiệp định có thể được phê chuẩn mà không cần thông qua Nghị viện các quốc gia thành viên.
Cải cách từng lĩnh vực
Thực tế cho thấy, EU thường mất rất nhiều thời gian cho việc khởi động quá trình đàm phán, ký kết và thông qua FTA. Việc phê chuẩn thường gặp rất nhiều vướng mắc và kéo dài. Nguyên nhân do Uỷ ban châu Âu (EC) được uỷ quyền chủ trì việc tiến hành và kết thúc đàm phán nhưng kết quả đàm phán phải được Nghị viện các quốc gia thành viên EU phê chuẩn, kể cả khi kết quả ấy đã được Nghị viên châu Âu (EP) phê chuẩn. Chỉ cần Nghị viện của một trong số 27 thành viên EU không phê chuẩn hoặc chậm phê chuẩn FTA vì lý do kỹ thuật hay không chấp nhận kết quả đàm phán thì thoả thuận đó vẫn không thể được phê chuẩn chung. Không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, đến nay EU đã nhiều lần lâm vào tình trạng thỏa thuận chung của khối bị một hoặc một vài thành viên cản trở.
Cách tiếp cận mới của EU sẽ giúp liên minh này tiến nhanh hơn trong việc phê chuẩn các FTA với các đối tác và cũng giúp các đối tác xác định chiến lược đàm phán thích hợp hơn và hiệu quả hơn với EU.
Thực chất ở đây là chuyện chủ quyền và thể diện quốc gia. Xung khắc lợi ích giữa EU và các nước thành viên cũng có nhưng không phải luôn luôn như vậy. EU là một tổ chức liên minh, chứ không phải là một nhà nước liên bang. EU có Nghị viện chung và có cơ quan điều hành chung nhưng không có một dạng chính phủ chung. Trong quá trình tham gia EU cho đến nay, các nước thành viên đều chấp nhận chuyển giao ở mức độ nhất định chủ quyền quốc gia cho các thể chế của EU, nhưng không phải tất cả và đặc biệt vẫn còn rất hạn chế trên lĩnh vực lập pháp.
Bộ trưởng thương mại các nước thành viên EU giờ muốn thay đổi cơ chế phê chuẩn ấy đối với những FTA. Cách tiếp cận mới này không làm thay đổi thể chế đối với EU, nhưng vẫn được coi như một cuộc cải cách. Trong thực trạng hiện tại của EU về nội bộ cũng như về định hướng phát triển, EU không có khả năng và cũng không có ý định tiến hành một cuộc cải cách thể chế cơ bản và sâu rộng bao trùm tất cả các phương diện chính sách, nhưng cho từng lĩnh vực cụ thể thì lại có thể được, chẳng hạn như đối với các FTAs.
Phân định lại quyền hạn
Cách tiếp cận mới của EU ở đây là phạm vi quyền hạn quyết định giữa EC và EP với Nghị viện các quốc gia thành viên trong việc phê chuẩn kết quả đàm phán giữa EU và các đối tác về FTA. Trên cơ sở sự phân định lại quyền hạn này, EU sẽ xác định quy trình và lộ trình đàm phán thích hợp để kết quả đàm phán được phê chuẩn thuận lợi và nhanh chóng. Theo những gì đã được Bộ trưởng thương mại các nước EU nhất trí, thì sự phân định ấy là những vấn đề liên quan thuần tuý đến thương mại thì do EP phê chuẩn, và những kết quả đàm phán của EC với các đối tác về FTA liên quan đến đầu tư sẽ được Nghị viện của các quốc gia thành viên phê chuẩn.
Đối với các đối tác đã ký kết FTA với EU, nhưng thoả thuận chưa được phía EU phê chuẩn để chính thức có hiệu lực, cũng như đối với các nước hiện đang đàm phán với EU về FTA thì sự thay đổi cách tiếp cận này của EU có tác động rất tích cực. Trên danh nghĩa, các đối tác này đều đàm phán với EC, nhưng không phải đối tác nào cũng có được quan hệ hợp tác tốt đẹp với tất cả các thành viên EU để quá trình phê chuẩn được thuận lợi, nhanh chóng.
Hiện có không ít những thoả thuận như thế, trong đó phải kể đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đã được ký kết từ cách đây nhiều năm nhưng chưa có hiệu lực bởi quá trình phê chuẩn trong EU chưa hoàn tất. Chỉ cần một thành viên EU dùng sự phê chuẩn này làm điều kiện cho mục đích chính trị mà đối tác không thể chấp nhận thì thoả thuận đó chưa thể có hiệu lực chính thức hoặc quá trình đàm phán không thể sớm kết thúc. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới này sẽ giúp EU tiến nhanh hơn việc phê chuẩn các FTA với các đối tác và cũng giúp các đối tác xác định chiến lược đàm phán thích hợp hơn và hiệu quả hơn với EU. Theo đó, EVFTA sẽ sớm được phê chuẩn và có thể được ký kết trong năm nay.
Nguồn: Thuỵ Vân/Diễn đàn Doanh nghiệp