Phiên họp chính sách của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 17 - 18/3, nhưng sẽ không được tổ chức nữa.
Fed cho biết sẽ duy trì khoảng lãi suất thấp mới này "cho đến khi nào chắc chắn nền kinh tế đã vượt qua các sự kiện gần đây và đang trên đà đạt được các mục tiêu toàn dụng việc làm và ổn định giá cả".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận xét động thái này là "tuyệt vời" và "tin rất tốt". Trước đó, ông đã liên tục kêu gọi Fed hạ lãi.
Lãi suất quĩ liên bang được dùng làm chuẩn tham chiếu quan trọng cho hoạt động vay mượn trên thị trường tiền lệ liên ngân hàng Mỹ, đồng thời là tham chiếu của nhiều loại lãi suất vay tiêu dùng. Trong thời gian dài hơn 7 năm từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Fed đã duy trì cận dưới của khoảng lãi suất mục tiêu ở mức 0%. Đây là lần đầu tiên Fed sử dụng lại chính sách lãi suất 0% kể từ tháng 12/2015.
Trước đó, ngày 3/3, Fed đã bất ngờ giảm lãi suất khẩn cấp đến 0,5 điểm %, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất kể từ lần giảm 0,75 điểm % hồi tháng 12/2018. Đó là lần đầu tiên Fed quyết định giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên của FOMC kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm "khẩn cấp" thứ 5 trong vòng 50 năm qua của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vốn có lịch sử hình thành chưa đầy 110 năm.
Thông báo của Fed ngày 15/3 cho hay tác động của dịch Covid-19 sẽ "ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế". Đó là lý do khiến Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định hạ thấp phạm vi mục tiêu.
Thông báo của Fed cũng cho hay FOMC hy vọng sẽ duy trì phạm vi mục tiêu trên đến khi tin tưởng rằng nền kinh tế đã vượt qua được các diễn biến gần đây và trên đà đạt được mục tiêu ổn định việc làm và giá cả tối đa.
Ngoài việc hạ lãi suất, Fed cũng cam kết mua thêm ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ, đồng thời công bố một số biện pháp kích thích khác, như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng về 0% và cho phép các nhà băng vay vốn khẩn cấp từ Fed với kỳ hạn lên tới 90 ngày. Fed cũng phối hợp với 5 ngân hàng trung ương khác để đảm bảo không thiếu hụt USD trên toàn thế giới.
Trong một hoạt động hợp tác với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, Fed cho biết NHTW của Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu, Thụy Sỹ và Fed sẽ hành động để tăng cường thanh khoản của đồng đô la trên khắp thế giới thông qua các thỏa thuận hoán đổi (swap) đô la hiện có.
Trong cuộc họp báo sau tuyên bố, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các biện pháp này "sẽ có tác động đáng kể lên hoạt động kinh tế trong ngắn hạn". Ông dự báo kinh tế Mỹ sẽ chịu hậu quả trong quý tới, nhưng từ chối đưa ra nhận xét về khả năng suy thoái. Jerome cho rằng điều này phụ thuộc vào mức độ lây lan của đại dịch.
Covid-19 đang lan nhanh tại Mỹ, khiến nước này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, hàng loạt cửa hàng, trường học đóng cửa và hàng triệu người lao động nguy cơ thất nghiệp. Tổng thống Trump gần đây chịu nhiều chỉ trích cả trong nước và nước ngoài, vì giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề và phóng đại khả năng kiểm soát dịch của chính phủ.
Các thị trường bị tác động mạnh
Ngay sau động thái hạ lãi suất của Fed, chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones Industrial Average "mini" đã mất 1.000 điểm, tương đương 4,5%. Chỉ số S&P 500 mini và chỉ số công nghệ NSADAQ đều giảm hơn 4,5%.
Tỷ giá USD cũng giảm. Lúc 7 giờ 40 phút sáng 16/3, chỉ số USD-Index trên Kitco lùi về 97,88 điểm, giảm 0,59 điểm so với phiên cuối tuần. Ngược lại tỷ giá EUR so với USD tăng 0,46% lên 1,1161 và tỷ giá đồng bảng Anh so với USD cũng tăng 0,77% lên 1,2372...
Giá vàng đã tăng vọt sau động thái của Fed. Kim loại quý đã tăng vọt 36 USD/ounce khi thị trường châu Á mở cửa ngày 16/3, từ 1.530 USD/ounce lên 1.576,6 USD/ounce, sau đó điều chỉnh xuống 1.548 USD/ounce rồi nhanh chóng đảo chiều trở lại 1.551 USD/ounce. So với giá đóng cửa cuối tuần qua, vàng tăng 21 USD/ounce.
 

Nguồn: VITIC