Khó có thể tin rằng châu Á có thể rũ bỏ hoàn toàn những tác động từ sự thắt chặt Fed tạo ra. Tuy nhiên, dường như các thị trường trong khu vực chưa cảm nhận được điều này một cách thực sự. Liệu có phải vì chuỗi số liệu về phục hồi xuất khẩu tốt hơn trong vài tháng qua?

Thời kỳ giữa những năm 2000 được xem là giai đoạn bùng nổ xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Vào thời điểm đó, mỗi năm lượng hàng xuất khẩu ở các nền kinh tế này tăng khoảng 15%.

Nhưng kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra (năm 2008), con số xuất khẩu nhanh chóng sụt giảm mạnh và dao động gần mức 4%, và vẫn gần như giữ nguyên cho tới hiện nay. Dù vài tháng qua, xuất khẩu đã có sự hồi phục đáng kể nhưng đằng sau đó đang che giấu những vấn đề mang tính cơ cấu sâu sắc hơn.

Việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững dường như là bất khả thi khi chi tiêu ở phương Tây đang chuyển hướng khỏi sử dụng những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của các nước châu Á mới nổi (bởi họ quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn, bớt mua sắm đồ đạc đi).

Trong khi đó, một số công ty ở Mỹ và châu Âu thậm chí còn quay lại tự sản xuất bởi chi phí nhân công ở phương Đông không còn cạnh tranh nhiều nữa, nhất là trong lúc cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh hơn. Đấy là chưa nói đến nguy cơ ngày càng tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Đáng chú ý, so với những năm 2000 thì hiện nay tỷ lệ vay nợ của các nước trong khu vực châu Á cao hơn nhiều, trong khi xuất khẩu lại ít “sống động” hơn. Trong bối cảnh đó, việc Fed tăng lãi suất là một điểm tiêu cực đối với tăng trưởng của các nước châu Á mới nổi.

Theo các chuyên gia, các NHTW châu Á không cần phải theo từng bước đi của FED, có nghĩa là chính sách tiền tệ giữa phương Đông và phương Tây có thể sẽ tiếp tục “bất đồng” trong vài năm tới. Bởi khu vực châu Á có đủ khả năng chống đỡ khi cán cân xuất khẩu vẫn tương đối mạnh mẽ, lạm phát chưa tăng cao và trong một số trường hợp - như Trung Quốc, vẫn kiểm soát nguồn vốn tương đối hiệu quả.

Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ giúp cho các nước châu Á mới nổi có thêm chút ít thời gian. Vì cuối cùng, nếu FED tiếp tục theo đuổi đường hướng thắt chặt chính sách của mình thì những người đi vay ở châu Á chắc chắn sẽ cảm nhận được mức độ thắt chặt.

“Tôi không cho rằng lãi suất tại Mỹ sẽ tăng lên nhanh chóng. Nhưng nếu lãi suất cứ tăng mỗi 0,25%/lần thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho khu vực này”, Kevin Logan - chuyên gia kinh tế trưởng của HSBC tại Mỹ nhận định.

Nguồn: Đỗ Phạm/thoibaonganhang.vn