Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế tiếp tục có dấu hiệu tích cực trên cả ba khu vực kinh tế, gồm khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá; hoạt động dịch vụ khá sôi động.

Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực, kế thừa xu thế tăng trưởng từ năm năm 2017 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.

Kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Tăng trưởng sẽ tiếp tục cải thiện ở cả ba động lực kinh tế, mạnh mẽ nhất là khu vực dịch vụ do kế thừa đà tăng trưởng của năm 2017.

Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng sẽ được kỳ vọng có bước bứt phá khi những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018.

Khu vực nông lâm và thủy sản sẽ duy trì ở mức tăng trưởng khá khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển nông nghiệp bền vững đang dần được triển khai và phát huy hiệu quả.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, với việc tăng trưởng đồng đều trên các khu vực kinh tế lớn về phía cung cũng như thành tích hai tháng đầu năm từ các lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư phía cầu, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 có khả năng khởi sắc hơn so với dự báo. Tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ đạt mức 6,83% (điều chỉnh tăng so với mức dự báo 6,71% của NCIF thực hiện tháng 12/2017).

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những thách thức phía trước. Trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.

Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.

Thêm vào đó thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là thị trường lao động. Cuộc cách mạng này vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, những ngành có nhiều lao động thủ công hoặc gắn với quá trình tự động hóa.

Nguồn: Baohaiquan.vn