Nếu như vài tuần trước và tuần đầu tháng 10, NHNN không mua vào ngoại tệ do tỷ giá liên ngân hàng vẫn cao hơn mức tỷ giá mua vào của cơ quan này (22.300 đồng/đô la Mỹ) thì tuần từ 17-21/10, NHNN đã mua vào hơn 100 triệu đô la Mỹ trong hai ngày đầu tuần. Động thái này sẽ khiến lượng tiền Đồng (ước tính khoảng hơn 2.200 tỷ đồng) được đẩy ra thị trường, củng cố xu hướng dồi dào của thanh khoản toàn hệ thống.

Thống đốc Lê Minh Hưng trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9 cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng cao lên mức cao nhất từ trước tới nay, hơn 40 tỷ đô la Mỹ. Từ đầu năm đến hết tháng 9, cơ quan này đã mua vào khoảng 11 tỷ đô la Mỹ, trong những thời điểm thuận lợi của nguồn cung ngoại hối trên thị trường.

“Đây là nguồn lực để NHNN ổn định tỷ giá trong quý IV, khi mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn” – Thống đốc nói.

Con số này tuy đã cải thiện đáng kể so với tình hình của Quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trước kia và được ghi nhận là mức cao kỷ lục song giá trị mới tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam, chưa phải là mức dự trữ ngoại hối lý tưởng. Vì thế, có thể hiểu cơ quan điều hành thị trường sẽ còn chớp cơ hội trên thị trường ngoại tệ để tiếp tục mua vào cho Quỹ dự trữ ngoại hối thời gian tới.

Tỷ giá suốt tuần qua cho thấy, tỷ giá giao dịch trung bình tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng nhẹ, đạt mức 22.307 VND/USD – tăng 5,8 đồng so với tuần trước đó. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm có bước tăng mạnh hơn (18,8 đồng), lên mức 22.014 VND/USD.

BVSC cho rằng, nhiều khả năng việc đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác như EUR (tăng 0,46%) và JPY (tăng 0,6%) là nguyên nhân quan trọng khiến NHNN điều chỉ tăng mạnh tỷ giá trung tâm trong tuần qua.

Tuy nhiên, với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn duy trì được trạng thái dồi dào cùng mức lạm phát được dự báo ở mức thấp (CPI tháng 10 có thể chỉ tăng 0,2-0,3%), BVSC  giữ nguyên quan điểm: trong ngắn hạn tỷ giá sẽ tiếp tục dao động quanh mức 22.300 VND/USD.

Nguồn: Châu Huệ/Diễn đàn Doanh nghiệp