Đường trung bình động của dòng FDI ròng chảy vào Mỹ trong 4 quý gần đây cho thấy rằng năm 2018, lượng FDI đã quay trở lại mức thấp hậu khủng hoảng của nó vào năm 2012. Sự giảm sút này gây lo ngại hơn bao giờ hết vì nhiều nhân tố lẽ ra đã thúc đẩy đầu tư trực tiếp ở Mỹ gia tăng trong năm 2018.
Gói kích thích tài chính trên quy mô lớn được Quốc hội thông qua lẽ ra đã phải làm gia tăng FDI. Dù người ta không kể đến các tác động mang tính khích lệ trực tiếp của pháp luật đối với đầu tư kinh doanh thì những thay đổi về thuế doanh nghiệp chắc chắn đã khuyến khích đầu tư.
Gói kích thích này, cùng với áp lực buộc phải đưa một số hoạt động và tài sản trí tuệ từ nước ngoài quay trở về Mỹ, lẽ ra đã làm gia tăng dòng đầu tư chảy vào Mỹ, ít nhất là tạm thời.
Tuy nhiên, sự thật là bất chấp những điều kiện tích cực này, FDI đã sụt giảm rõ rệt. Cho đến thời điểm này của năm 2018, đầu tư trong nước của các công ty Mỹ, cho dù mạnh mẽ, cũng đang thấp hơn so với những thay đổi về thuế có lợi cho kinh doanh và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã khiến các nhà kinh tế học đưa ra những dự đoán.
Một số người lập luận rằng sự không chắc chắn, một phần do các cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump gây ra, đã hạn chế đầu tư.
Nhưng theo ý nghĩa rộng hơn, sự sụt giảm đầu tư này cho thấy các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đang đưa ra đánh giá tương tự như những đối tác của họ ở nước ngoài, chỉ là chậm hơn một chút. Tức là họ quyết định rằng các khoản đầu tư vào Mỹ đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với các khoản đầu tư vào phần còn lại của thế giới.
Nếu đầu tư ra bên ngoài nước Mỹ của các công ty đa quốc gia Mỹ tăng lên trong thời gian còn lại của năm 2018, bất chấp việc Mỹ có mức thuế suất thấp hơn và tăng trưởng kinh tế cao hơn so với phần còn lại của thế giới, thì điều đó sẽ nói lên nhiều điều về nền kinh tế thế giới hậu nước Mỹ đang nổi lên.
Hãy xem xét mức thuế suất đối với xe cộ và linh kiện ô tô đang được chính quyền Trump cân nhắc sẽ tác động như thế nào đến các quyết định đầu tư trong tương lai của một vài trong số các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới. Nếu Mỹ áp đặt mức thuế 25% như đã đe dọa và các đối tác thương mại của Mỹ trả đũa một cách tương xứng (khả năng là như vậy), thì động thái này sẽ gây ra một tác động lớn ngay lập tức đối với nền kinh tế Mỹ.
Mức thuế này sẽ trực tiếp khiến 625.000 người lao động mất việc làm. Nhưng đó sẽ chưa phải là kết cục cuối cùng: Việc đóng cửa các nhà máy cũng làm tổn hại đến các cộng đồng rộng lớn hơn mà những nhà máy này là một phần trong đó, gây tổn hại đến các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, các công ty có quan hệ với các nhà sản xuất ô tô sẽ thấy doanh thu của họ sụt giảm. Tác động này sẽ là đáng kể, nhưng nó sẽ chỉ là cú sốc tạm thời ban đầu, còn các khoản thuế sẽ có tác động dai dẳng hơn nhiều đối với nền kinh tế Mỹ bằng việc thay đổi quyết định đầu tư của các công ty.
Sản xuất xe cộ là một ngành công nghiệp có tính chu kỳ cao. Vào năm 2005, 17 triệu ô tô do Mỹ sản xuất đã được bán ra; năm 2009, con số này giảm xuống còn 10 triệu chiếc; và cho tới năm 2015, con số này đã quay trở lại mức 17 triệu chiếc.
Số lượng lao động trong ngành công nghiệp ô tô trồi sụt theo doanh thu. Việc có quyền tiếp cận các thị trường toàn cầu đa dạng để có được cả linh kiện lẫn doanh thu (các nhà máy của Mỹ xuất khẩu gần 2 triệu ô tô vào năm 2017) là điều thiết yếu để các khoản đầu tư vào các nhà máy mang lại lợi nhuận trong dài hạn.
Khi đó, Mỹ sẽ phát hiện ra, giống như các nước đang phát triển đã làm - và như Anh hiện đang nhận ra, khi các nhà sản xuất ô tô tuyên bố các kế hoạch rút hoạt động sản xuất khỏi nước này nếu Brexit được thông qua – rằng khi một đất nước mất quyền tiếp cận các thị trường toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ dừng đầu tư vào nền kinh tế của nước đó.
Nếu ô tô do Mỹ sản xuất chỉ có sức cạnh tranh đằng sau các hàng rào thuế quan và trở nên tốn kém hơn do các khoản thuế đó, thì việc lên kế hoạch sản xuất nhiều ô tô hơn ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang ngày càng tăng là điều vô ích.
Nguồn: TTXVN/Bnews.vn