Năm 2016 tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, phức tạp, tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với dự báo, giá nhiều hàng hóa cơ bản và giá dầu thô thấp, tình hình biển Đông phức tạp, thiên tai hạn hán, lũ lụt liên tục xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt giúp ổn định kinh tế.
Để có thể nhận biết được bức tranh toàn cảnh về thị trường năm 2016; ngày 29/12/2016 Viện Kinh tế Tài chính – Học viện tài chính đã tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo năm 2017”.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia kinh tế thương mại, các nhà nghiên cứu, các thày cô giáo của các trường Đại học tới dự và phát biển ý kiến.
Tiến sĩ Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng: Năm 2016 kinh tế toàn cầu ảm đạm; trong đó các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, EU đều tăng trưởng chậm. Theo số liệu của IMF, mức dự báo tăng trưởng kinh tế từ tháng 7/2015 đến nay liên tục giảm. Kinh tế Việt Nam cũng có chiều hướng suy giảm sau khi phục hồi tốt năm 2015. Dự báo năm 2017 lạm phát dưới mức 4%.
Phó Giáo sư – tiến sĩ Ngô Trí Long dự đoán năm 2017 lãi suất không thể giảm, lạm phát dưới 4%. Ông cho rằng hiện nay vấn đề quản lý giá chưa được thống nhất, chưa hợp lý nên đã xảy ra tình trạng bất ổn về giá nhiều mặt hàng. Vì vậy, nên đưa việc quản lý giá tất cả các mặt hàng về Bộ Công Thương, bởi Bộ Công thương chuyên trách về Cung – Cầu – Giá cả - Cạnh tranh.
Theo Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Hiền, hiện nay thị trường đang có sự lỏng lẻo về quản lý giá dịch vụ (dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ các khu du lịch...). Đề nghị các cơ quan quản lý nên quan tâm, quản lý chặt hơn nữa bằng cách công khai, niêm yết giá tại các địa điểm cụ thể. Hiện nay Quĩ bình ổn hàng hóa thực hiện hầu như không có tác dụng, cần bỏ quĩ Bình ổn giá.
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện nay chi phí để hàng hóa vào trong siêu thị quá lớn tới 20 – 30% nên khó cạnh tranh (hầu hết chi phí tốn kém vào khâu lưu thông, chứ người sản xuất không được hưởng, mà người tiêu dùng đều phải gánh thêm chi phí đó). Ông có ý kiến nên cho các công ty xăng dầu nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh, để tạo môi trường cạnh tranh, sẽ có lợi cho người tiêu dùng.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, giá dầu năm 2016 giảm chủ yếu là do ảnh hưởng yếu tố chính trị (Mỹ và Phương Tây trừng phạt Nga do Nga sáp nhập đảo Crưm của Ucraina vào Nga). Năm 2017 tình hình chính trị sẽ ổn định hơn, do đó giá dầu sẽ tăng mạnh, vì thế sẽ làm tăng giá vận tải hàng hóa, tất nhiên sẽ làm lậm phát tăng.
Giáo sư – tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng năm 2017 kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng tốt, do đó giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng. Hiện nay đồng USD liên tục tăng và sẽ tiếp tục tăng nữa, phản ánh kinh tế thế giới tăng trưởng tốt.
Năm 2017 việc giữ ổn định tỷ giá là rất khó khăn, vì thế lạm phát sẽ tăng. Lãi suất năm 2017 sẽ tăng, tín dụng ngân hàng giảm, thâm hụt ngân sách lớn. Do đó, GDP dự đoán tăng 6,5 – 6,7%.

Nguồn: Vinanet