Trong lĩnh vực xuất khẩu, có 29 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, có 5 nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm điện thoại; dệt may; máy tính; máy móc, thiết bị; giày dép.
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá ước đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.
Thị trường xuất khẩu của mặt hàng điện thoại rất đa dạng với nhiều thị trường đạt kim ngạch “tỷ USD” như: Liên minh châu Âu (EU 28 nước), Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)...
Dệt may là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 với trị giá gần 30,5 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 29,32 tỷ USD, tăng 12,9%. Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với tốc độ tăng trưởng cao nhất (trong 5 nhóm hàng chủ lực) lên đến 28,2% với kim ngạch đạt 16,55 tỷ USD và vượt qua giày dép trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ tư. Giày dép đứng thứ 5 với kim ngạch 16,238 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 10,6%.
Trong năm 2019, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương xác định, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và ứng phó một cách chủ động.
Bên cạnh đó,đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với khai thác, phát huy vai trò thị trường trong nước.
Tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội; thực hiện các biện pháp chính sách để phát huy, tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập gây ra...
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất...
Đẩy mạnh kế hoạch cải cách hành chính, trong đó tập trung rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết hoặc phân cấp các thủ tục hành chính cho địa phương nếu có thể.
Nguồn: Congthuong.vn