Giá vàng trong tuần biến động

Tuần qua, giá vàng trong nước ở trong trạng thái tăng, giảm “thất thường và đột biến”. Phiên đầu tuần, giá vàng đứng ở mốc 34,34  - 34,44 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), và có dấu hiệu tăng nhẹ vào phiên tiếp sau. Vào ngày 22/6, giá vàng lại bất ngờ giảm sâu tới 400 nghìn mỗi lượng, kéo giá kim loại quý này xuống dưới mốc 34 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau đó một phiên, ngày 24/6, dưới tác động của việc Anh rời khỏi EU, giá vàng thế giới tăng mạnh đã khiến các doanh nghiệp trong nước liên tục điều chỉnh giá vàng mua vào và bán ra. Tính tới 11h08 sáng 24/6, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 35,3 triệu đồng/lượng (mua) và 35,7 triệu đồng/lượng (bán).

Tỷ giá trung tâm trong tuần liên tục điều chỉnh giảm

Tỷ giá trung tâm của NHNN tuần qua liên tục được điều chỉnh giảm, dao động ở khoảng 21.845 – 21.863 đồng/USD. Tuy nhiên, tỷ giá USD mở cửa tại các NHTM lớn hầu như vẫn đứng yên. Tại Vietcombank ngày 24/6, tỷ giá được giao dịch ở mức 22.270 – 22.340 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá.

Thị trường liên ngân hàng tuần qua đồng loạt giảm nhẹ

Diễn biến thị trường liên ngân hàng tuần qua, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất liên ngân hàng đồng loạt giảm nhẹ xấp xỉ 0,1% ở cả ba loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,13% về mức 1,53%/năm; tương tự kỳ hạn 1 tuần giảm 0,09% về mức 1,81%/năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần cũng giảm 0,18% về mức 2,14%/năm.

Thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.  Hội đồng này sẽ có nhiệm vụ thảo luận, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, chính sách, đề án lớn và những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Bên cạnh đó, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định các chính sách, kế hoạch tài chính, tiền tệ trong từng thời kỳ; các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện có hiệu quả các chính sách, kế hoạch đã được quyết định…

Nợ công Việt Nam tăng 9,3%

Đồng hồ nợ công thế giới (của báo The Economist) ngày 21.6 cho biết nợ công VN ở mức 94,854 tỉ USD, tăng 9,3% và chiếm 45,6% GDP. Nếu chia trên tổng dân số 92 triệu người thì mỗi người VN đang gánh 1.040 USD (khoảng 23 triệu đồng). Như vậy, đây là lần đầu tiên nợ công vượt ngưỡng 1.000 USD/người VN theo tính toán của The Economist.

CPI tháng 6/2016 tăng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có 10 nhóm tăng trong đó: nhóm giao thông tăng cao nhất, tăng 2,99%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%. Giá xăng tăng, ảnh hưởng tâm lý lo ngại về hiện tượng cá chết ở các tỉnh miền Trung, hiện tượng nắng nóng kéo dài hay tháng 6 là tháng nhu cầu nghỉ hè cao được chỉ ra là nguyên nhân khiến cho chỉ số CPI tăng lên.

Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét thông qua Nghị định về kinh doanh casino

Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã trình Chính phủ xem xét thông qua Nghị định về kinh doanh casino; Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Được biết, dự thảo Nghị định về Kinh doanh casino bắt đầu được khởi thảo từ năm 2009, song cho tới nay vẫn chưa thể thông qua. Trong khi đó, kinh doanh casino là một ngành kinh doanh có điều kiện và theo quy định tại Luật Đầu tư sửa đổi, thì ngày 1/7/2016 là thời điểm phải hoàn tất việc rà soát, công bố các điều kiện kinh doanh.

Ước tính Việt Nam đang thất thu khoảng 800 triệu USD tiền thuế mỗi năm vì người dân chơi casino tại nước ngoài.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 6 giảm so với kỳ 2 tháng 5

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6-2016 (từ 1-6 đến 15-6) đạt gần 14,38 tỷ USD giảm 11,7% (tương ứng giảm hơn 1,91 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 5-2016.

Như vậy, tính đến hết ngày 15-6-2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 147,54 tỷ USD, tăng 2% (tương ứng tăng hơn 2,84 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 6-2016 thâm hụt 285 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 6-2016 thặng dư hơn 1,36 tỷ USD.

TPP kéo theo thách thức với doanh nghiệp trong nước

Hiệp định thương mại tự do (TPP) mang đến nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệp định này cũng kéo theo những thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi các sản phẩm trong nước chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu. Một trong những lĩnh vực chịu sức ép lớn là ngành sản xuất kính. Để tháo gỡ khó khăn, đón đầu thách thức, nhiều doanh nghiệp sản xuất kính trong nước đã tìm hướng đi mới, sản xuất những sản phẩm kính công nghệ cao, xuất khẩu sang các thị trường khu vực và trên thế giới. Từ đó, đưa ngành sản xuất kính công nghệ cao bước ra thị trường thế giới.

Mới đây, công ty Schneider Bruederer tại Đức đã đặt hàng nhập khẩu sản phẩm kính công nghệ cao do công ty CP Tổ hợp Sado Group sản xuất. Ngoài ra, Sado Group còn xuất khẩu kính đến các thị trường khó tính khác như Australia, Campuchia, Myamar, Mỹ, Canada. Với số vốn đầu tư trên 500 tỉ đồng, nhà máy cửa kính Sado đang hoạt động hết công suất để đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

WB hỗ trợ 90 triệu USD cho Việt Nam để ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ 90 triệu USD giúp Việt Nam cải cách chính sách nhằm hỗ trợ nghị trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, cũng phù hợp với kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của Nhóm WB. Đây là khoản thứ nhất trong loạt 3 khoản tín dụng tài trợ cho các hành động chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.

Loạt tín dụng này sẽ được chi cho công tác thực hiện các chính sách tăng cường quy hoạch, quản lý tổng hợp ven biể; các khoản đầu tư công có lợi cho lĩnh vực biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên nước, cũng như tăng cường tiết kiệm sử dụng nước và trồng rừng ven biển. Khoản tín dụng cũng được dùng hỗ trợ các chính sách phát triển giao thông, sản xuất công nghiệp, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Hàn Quốc dẫn đầu các quốc gia rót vốn FDI vào Việt Nam

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 398 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,61 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng.

Nguồn: VITIC tổng hợp/taichinhdientu.vn