Giá vàng trong nước tăng/giảm đan xen trong tuần
Tuần qua, giá vàng trong nước tăng giảm đan xen giữa các phiên giao dịch khiến nhà đầu tư tại miền Bắc tỏ ra khá dè dặt, trong khi ở miền Nam nhu cầu giao dịch theo chiều mua vàng vào tăng khá mạnh, theo khảo sát của Doji. Giá vàng dao động trong khoảng 36,54 – 36,62 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,71 – 36,82 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Với mức giá kết thúc tuần vào sáng ngày 8/6 là 36,58 – 36,76, giá vàng trong nước hiện còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 700 nghìn đồng mỗi lượng (chưa kể thuế phí).
Tỷ giá trung tâm trong tuần liên tục sụt giảm
Tỷ giá trung tâm tuần qua của NHNN liên tục sụt giảm, dao động ở khoảng 22.558 – 22.571 đồng/USD. Nguyên nhân của việc sụt giảm trên là do đồng USD trên thị trường thế giới sụt giảm do giới đầu tư lo sợ tác động tiêu cực của cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung. Trước hiện tượng đi xuống của tỷ giá trung tâm, giá USD giao dịch tại các NHTM hầu như không biến động. Đầu giờ sáng 8/6, một số ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ không đổi so với cùng giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.780 đồng (mua) và 22.870 đồng (bán).
Tháng 6/2018, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang có xu hướng giảm
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới nhất tại các ngân hàng trong tháng 6/2018 đang có xu hướng giảm rõ nét. Diễn biến này được cho là bất ngờ trong bối cảnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu đi lên trở lại. Cụ thể, VietinBank giảm 0,2% lãi suất ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng. BIDV giảm 0,1% lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng và 18 tháng. ACB giảm 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng. Ngân hàng SHB giảm 0,1% ở các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên và ngân hàng Quốc dân (NCB) giảm 0,1% ở các kỳ hạn từ 3 - 5 tháng. Đáng chú ý, một số ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi trong 3 tháng liên tiếp. Điển hình là Techcombank với mức giảm đều 0,1% ở các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng, giảm 0,2% các kỳ hạn 6 - 8 tháng, giảm 0,3% các kỳ hạn 9 - 11 tháng, đồng thời giảm từ 0,2 - 0 ,35% ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên…
Thông tư số 14 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14 hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (trừ công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính bao thanh toán), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Kể từ ngày 13/7/2018, các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ thông qua một số biện pháp. Cụ thể là, Thông tư nêu rõ việc tái cấp vốn hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các quy định về việc tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng; hỗ trợ qua công cụ dự trữ bắt buộc. Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân (tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân) từ 70% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp hơn 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại hình tổ chức tín dụng đó.
World Bank dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khaogr 6,8% trong năm 2018
World Bank đã ra báo cáo về Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ngày 6/6. Theo đó, tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2018. Như vậy, World Bank đã điều chỉnh tăng 0,3 điểm % so với con số được đưa ra trong báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương hồi tháng 4/2018.
Tháng 5/2018, chỉ số PMI của Việt Nam tăng lên 51,5 điểm
Nikkei vừa cho công bố dữ liệu về ngành sản xuất ASEAN tháng 5/2018. Tại Việt Nam, “Chỉ số PMI toàn phần tăng từ 51 điểm trong tháng 4 lên 51,5 điểm trong tháng 5, báo hiệu sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã cải thiện tháng thứ năm liên tiếp”, báo cáo trên cho biết. Đáng chú ý, Việt Nam đã thay thế Myanmar dẫn đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN khi lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 5.
Quyết định 1503/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan
Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, quyết định này đã đưa ra tiêu chí phân loại nợ thành 3 nhóm khác nhau, bao gồm nhóm nợ khó thu; nhóm nợ chờ xử lý và nhóm nợ có khả năng thu.
Vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2018 tăng
Tin từ Bộ KH&ĐT cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 144,7 triệu USD; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm gần 40 triệu USD. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 184,69 triệu USD. Lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,77 triệu USD, chiếm 57,3%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai và chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 3 với 21 triệu USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài nhất trong 5 tháng với 17 dự án.
Việt Nam liên tiếp xuất siêu
Sau 4 tháng liên tiếp xuất siêu, ước tính Việt Nam nhập siêu 500 triệu USD trong tháng 5. Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5/2018 ước tính đạt 19,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù cán cân thương mại chuyển sang trạng thái nhập siêu trong tháng 5 nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam vẫn đang xuất siêu 3,39 tỷ USD.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet