2016, một năm thách thức với toàn cầu hóa
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, phần đa các nhà lãnh đạo các chính phủ và DN cho rằng, họ đang gặp phải vấn đề lớn với chủ nghĩa dân túy và việc tìm được giải pháp cho vấn đề này là điều vô cùng khó khăn.
Các đại diện tham gia WEF lần này đang cho thấy sự bất đồng trong việc tìm ra cách thức tốt nhất để giải quyết hay đối phó với những thay đổi chính trị mạnh mẽ gần đây (từ sự kiện Brexit đến việc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ) cũng như trong tương lai ngay tới đây khi một loạt các cuộc bầu cử ở châu Âu sẽ diễn ra trong năm nay mà đang có một niềm tin rằng, những gì tưởng như chắc chắn sẽ phải xảy ra thì chưa chắc đã xảy ra.
Trong khi Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi các nước cần đưa ra các chính sách từ các chương trình đào tạo lại người lao động đến khuyến khích chi tiêu xã hội nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng, thịnh vượng và thúc đẩy toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn thì nhiều ý kiến khác lại lo ngại, sự bất định của kinh tế toàn cầu thực ra mới chỉ bắt đầu.
Tỷ phú Ray Dalio, nhà điều hành quỹ đầu cơ Bridgewater Associates - quỹ Hedge Fund lớn nhất thế giới cảnh báo: “Có lẽ chúng ta đang ở một thời điểm mà toàn cầu hóa đang bước vào hồi kết, trong khi tính địa phương hóa và quốc gia hóa lại đang lên ngôi”.
Điều này khiến các nhà kỹ trị đang phải nỗ lực “vá lỗi” để giúp cho hệ thống các liên kết về thương mại, ngân hàng và DN trên toàn cầu – mà Câu lạc bộ Davos (cách nói khác của WEF) là đại diện – sẽ tiếp tục chạy trơn tru ở một thời điểm khi xuất hiện những nhân vật mới như Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đang đe dọa sẽ dỡ bỏ hệ thống này bằng cách hủy bỏ các hợp tác thương mại hay tăng cường thuế quan.
Trong nhiều thập kỷ qua, khi nói về Câu lạc bộ Davos thì mọi người đều hiểu là đang nói đến một diễn đàn của toàn cầu hóa và các thị trường mở. Nhưng với những dư trấn chính trị vừa qua, giới tinh hoa trong kinh doanh và chính trị khắp thế giới dường như đã thất bại trong dự đoán tình hình.
Và một câu hỏi cũng được đặt ra là liệu những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới này có đủ khả năng hiểu biết và giải quyết với những lực lượng muốn chống toàn cầu hóa và mở cửa thị trường hay không?
Bất bình đẳng – bài toán không dễ giải
Theo bà Lagarde, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao giải quyết được cuộc khủng hoảng của tầng lớp trung lưu. Bởi sự bất bình đẳng quá mức chính là một trong những kìm hãm với tăng trưởng bền vững. “Các nhà hoạch định chính sách cần thực sự phải suy nghĩ về điều này và xem xét xem có thể thực hiện được những gì trong thời gian tới.
Trong đó, cần xem xét tới các giải pháp cải cách tài khóa và cấu trúc” – bà Lagarde nói và lưu ý rằng: “Điều này cần phải thật chi tiết và nó có thể có nghĩa là cần sự phân phối lại nhiều hơn mức mà chúng ta đang có ở thời điểm này”.
Giáo sư Richard Baldwin, thuộc khoa kinh tế quốc tế, Viện Đại học Quốc tế và Nghiên cứu phát triển cho rằng, chúng ta cần hướng đến một hệ thống mà ở đó, chúng ta bảo vệ được người lao động chứ không phải đơn thuần là công ăn việc làm và xã hội sẽ giúp mọi người được đào tạo hoặc định hướng lại.
“Chúng ta phải nhấn vào yếu tố con người, giữ sự gắn kết xã hội cần thiết để đưa các xã hội của chúng ta tiến lên, đồng thời phải chấp nhận rằng, để làm được điều này thì có thể mọi người sẽ phải chịu một gánh nặng thuế cao hơn” - Richard Baldwin nói.
Báo cáo mang tên “Nền kinh tế dành cho 99%” của Oxfam vừa được công bố nhân dịp hội nghị thường niên WEF cho thấy, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Báo cáo đã trình bày chi tiết cách các DN lớn và giới siêu giàu đang đẩy cuộc khủng hoảng bất bình đẳng thêm trầm trọng thông qua trốn thuế, giảm lương và sử dụng quyền lực của mình nhằm gây ảnh hưởng chính trị. Báo cáo kêu gọi thay đổi căn bản trong cách chúng ta quản lý nền kinh tế, từ đó đem lại lợi ích cho mọi người, thay vì chỉ cho một số người may mắn.
Theo báo cáo này, 8 người giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản bằng tài sản của 3,6 tỷ người thuộc một nửa nghèo nhất của toàn nhân loại. Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam International cho biết: “Việc chỉ một số người sở hữu khối tài sản quá lớn là điều không thể chấp nhận được, trong khi cứ 10 người thì có 1 người đang sống với mức dưới 2 USD/ngày. Bất bình đẳng đang khiến hàng tỷ người bị mắc kẹt trong nghèo đói, gây chia rẽ xã hội và đe dọa nền dân chủ”.
Trên khắp thế giới, nhiều người đang bị bỏ lại phía sau. Mức lương của người lao động giậm chân tại chỗ, trong khi các ông chủ DN bỏ túi hàng tỷ USD tiền lãi. Dịch vụ y tế cho người dân bị cắt giảm, trong khi DN và giới siêu giàu trốn thuế. Tiếng nói của cộng đồng bị bỏ qua, trong khi chính phủ “vào hùa” với các DN lớn và giới quyền lực giàu có.
Báo cáo của Oxfam cũng chỉ ra cách thức các nền kinh tế méo mó của chúng ta đang bơm thêm tài sản cho giới quyền lực và giàu có, đồng thời bỏ qua lợi ích của những người nghèo nhất trong xã hội, mà chủ yếu là phụ nữ.
Những người giàu nhất đang tích lũy tài sản với tốc độ đáng kinh ngạc, đến mức có thể sẽ xuất hiện con số 1 nghìn tỷ phú đầu tiên trong 25 năm tới. Hãy thử xem xét con số này – bạn cần tiêu 1 triệu USD mỗi ngày trong 2.738 năm để có thể tiêu hết 1 nghìn tỷ USD.

Sự giận dữ của công chúng đối với bất bình đẳng đã tạo ra những cú sốc chính trị trên khắp thế giới. Bất bình đẳng được cho là nhân tố quan trọng trong chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump ở Mỹ, của Tổng thống Duerte ở Philippines và sự kiện Brexit tại Anh.

Nguồn: Hồng Quân/thoibaonganhang.vn