Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, 17.703 công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Trung Quốc, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù xuất hiện xu hướng sụt giảm FDI tổng thể nhưng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao tại nước này vẫn tiếp tục gia tăng. Theo MOC, FDI trong lĩnh vực chế tạo công nghệ cao đạt tốc độ tăng trưởng 8,3% lên 37,39 tỷ Nhân dân tệ, trong khi đó nguồn vốn nước ngoài đổ vào các dịch vụ công nghệ cao tăng tới 16,8% lên mức 70,31 tỷ Nhân dân tệ.
Song song với xu hướng trên, hoạt động đầu tư trực tiếp phi tài chính ra nước ngoài (ODI) của các doanh nghiệp Trung Quốc trong 7 tháng qua cũng giảm mạnh với tỷ lệ 44,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 57,2 tỷ USD, chủ yếu nhờ các biện pháp của chính phủ nước này nhằm ngăn chặn tình trạng đầu tư một cách thiếu cân nhắc.
Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực bất động sản, văn hoá, thể thao và giải trí ở nước ngoài thời gian qua đã bị cắt giảm rất nhiều. Tuy nhiên, ODI của Trung Quốc tại các quốc gia nằm trên tuyến “Vành đai và Con đường” vẫn đạt mức 7,65 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng lượng ODI của nước này, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực “vươn ra ngoài,” FDI vẫn có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Lãnh đạo nước này đã cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh “ổn định, lành mạnh, minh bạch và có thể dự đoán được.”
Đến nay, Trung Quốc đã thiết lập 11 khu thương mại tự do, trong đó các công ty nước ngoài có thể tránh được tình trạng quan liêu trong hoạt động đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng rút gọn danh sách về các lực vực hạn chế đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như cắt giảm các quy định hạn chế tiếp cận thị trường trong những lĩnh vực như giao thông vận tải và dịch vụ tài chính.

Nguồn: Vietnamplus.vn